Đuối nước và cách phòng tránh

00:00 - Thứ Sáu, 29/04/2016 Lượt xem: 3375 In bài viết
ĐBP - Theo tổ chức y tế thế giới, đuối nước là hiện tượng 1 chất lỏng (thường là nước) tràn vào khí quản gây ngạt thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể dẫn đến tử vong (chết đuối) nếu không được sơ, cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Trẻ em khi bơi cần có phao và người lớn hỗ trợ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đuối nước ở trẻ em, như: Do bố mẹ chưa giám sát trẻ chặt chẽ hay trong những dịp nghỉ hè trẻ tự vui chơi thiếu người lớn trông nom, chăm sóc. Đặc biệt là những khu vực có ao hồ, sông, suối hay những hố nước các công trình xây dựng, bể, giếng nước có thành quá thấp, không có nắp đậy... Trẻ em dưới 5 tuổi có thể gặp tai nạn này ngay trong xô, chậu, chum, vại, bể chứa nước… Nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu lơ là, chủ quan, vội vàng, thiếu kỹ năng khi cứu người đuối nước. Vì vậy khi gặp người đuối nước cần bình tĩnh hô hoán, gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ, đồng thời, nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây… để người bị đuối nước bám vào. Tuyệt đối không được nhảy xuống cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối. Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, nhanh chóng tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt bằng cách đặt nạn nhân nằm ngửa, cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi mũi và miệng nạn nhân; đặt khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi thổi một hơi dài trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu tim ngừng đập (bắt mạch qua cổ tay) phải ép tim ngoài lồng ngực, 2 bàn tay chồng lên nhau đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái của nạn nhân và ép mạnh với tần số khoảng 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có 1 người cấp cứu thì thổi ngạt 2 - 3 lần lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Nếu có 2 người cấp cứu thì 1 người thổi ngạt, 1 người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim nạn nhân đập và thở trở lại.

Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế: mặt quay sang một bên, kê gối dưới 2 vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Nếu cấp cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hoặc dùng mọi phương tiện sẵn có, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Trên đường vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và giữ ấm cho nạn nhân.

Đuối nước là một trong những tai nạn có thể phòng tránh được bằng cách không để trẻ em chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát. Nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có thì nên đậy chặt. Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và có khóa cửa để trẻ em không mở được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông, người lớn nên đưa con đi học. Trẻ cần được hướng dẫn các kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi như: vận động trước khi xuống nước, an toàn trên mặt nước khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy hay cách sơ cứu người khi bị đuối nước. Các nơi có nguy cơ cao gây đuối nước cho trẻ cần lắp biển báo, rào chắn, bảo vệ.

Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà của toàn xã hội. Để bảo vệ các em khỏi tai nạn đuối nước, mỗi gia đình hãy quan tâm, hướng dẫn các em biết cách tự bảo vệ mình trong môi trường nước ngay từ khi còn nhỏ.

Anh Sáu (T4G)
Bình luận
Back To Top