Đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn:

Có đạt được mục tiêu?

14:52 - Thứ Hai, 03/07/2017 Lượt xem: 4196 In bài viết
Tuần qua, Bộ Y tế đã đưa 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo chính quy, chuyên khoa cấp I đầu tiên theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn. Thời gian tình nguyện là 3 năm đối với nam và 2 năm với nữ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Với thời gian tình nguyện ngắn như vậy, liệu dự án có đạt mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến y tế mà Bộ đã đề ra?

Chênh lệch lớn về nguồn nhân lực 

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc dự án cho biết, tại 62 huyện nghèo trên cả nước còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa. Một số bệnh viện huyện của các tỉnh miền núi như: Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang... chỉ có 4-5 bác sĩ, thậm chí có huyện chưa có bác sĩ. Còn tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có tới 140 bác sĩ. Đây là khoảng cách quá xa giữa y tế miền núi và miền xuôi.

 

Bác sĩ trẻ tình nguyện khám, chữa bệnh cho người dân huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai).

Xuất phát từ thực trạng thiếu bác sĩ khiến người dân ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe, y tế, tháng 2-2013, Bộ Y tế phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (dự án 585). Theo TS Phạm Văn Tác, dự án là giải pháp căn bản cân bằng chất lượng y tế, bác sĩ vùng sâu, vùng xa, giảm bớt sự chênh lệch, mâu thuẫn giữa những vùng khó khăn và thuận lợi.

Hơn ba năm qua, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức tuyển chọn được 78 bác sĩ với 5 khóa đào tạo thuộc 10 chuyên ngành, gồm: Nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền. Đây là những bác sĩ sẽ tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh. Tại lễ bàn giao vừa được Bộ Y tế tổ chức, 7 bác sĩ trẻ đầu tiên về công tác tại 4 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên. 

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, những bác sĩ được chọn là sinh viên vừa tốt nghiệp, tự nguyện đăng ký (yêu cầu bằng khá, giỏi trở lên). Sau đó, họ sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương và được cử đi học bác sĩ chuyên khoa I theo phương pháp đặc biệt “một thầy một trò, cầm tay chỉ việc” với hơn 70% thời lượng học là thực hành. Kết thúc khóa học sau 2 năm, các bác sĩ này được phân về vùng sâu, vùng xa với chế độ lương, phụ cấp ưu đãi. Nam giới sẽ có thời gian phục vụ 3 năm, nữ là 2 năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, các bác sĩ quay trở lại làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế mà họ đã được tuyển dụng trước khi tham gia dự án hoặc các bệnh viện tại quê hương theo nguyện vọng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Ngành Y tế đã ban hành chế độ phụ cấp đối với bác sĩ, cán bộ y tế công tác ở 62 huyện nghèo, đặc biệt là xã khó khăn lên tới 70% nhưng vẫn không thể thu hút được bác sĩ giỏi về công tác. Nếu để bác sĩ trẻ về công tác suốt đời ở những vùng khó khăn thì khó khả thi, thậm chí không có người đi. Do vậy, trước mắt là giải pháp quyền lợi rồi sau đó là nghĩa vụ và lòng yêu nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ...".

Quyền lợi và nghĩa vụ phải tương đồng

Vấn đề đặt ra ở đây là thời gian tình nguyện, cống hiến của các bác sĩ trẻ quá ngắn. Khoảng thời gian này chỉ đủ để thích nghi với môi trường làm việc và văn hóa vùng miền, không đủ để họ phát huy chuyên môn, góp sức nâng cao chất lượng y tế tại các huyện nghèo. Khi họ “rút quân”, sẽ tiếp tục để lại một “khoảng trống” tại tuyến y tế này. Trong khi so sánh với “quyền lợi” mà các bác sĩ nhận được sẽ thấy có sự chênh lệch lớn. Ngoài một chương trình đào tạo đặc biệt, ngay khi tham gia vào dự án, các bác sĩ trẻ được bảo đảm “đầu ra”, được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, trong đó có nhiều bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương… Với quyền lợi như vậy, có bác sĩ nào từ bỏ để ở lại làm việc tại những vùng khó khăn, thiếu thốn? 

Theo TS Phạm Văn Tác, đã có nhiều Giám đốc Sở Y tế chất vấn về vấn đề này. Bởi, so sánh giữa quyền lợi và nghĩa vụ chưa tương đồng. Thậm chí, quyền lợi nhiều hơn nghĩa vụ. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, những cử nhân trường y lại tiếp tục được đi học, được đào tạo chuyên sâu như một bác sĩ nội trú. Hơn nữa, trong lúc nhiều bạn bè còn chưa xin được việc, những bác sĩ trẻ này đã trở thành viên chức của những bệnh viện lớn. “Bộ Y tế sẽ cân nhắc lại vấn đề thời hạn tình nguyện tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, với 5 khóa học đã tuyển sinh, đào tạo sẽ không thay đổi quy định đã đưa ra. Từ khóa học thứ 6 của dự án sẽ xem xét lại trách nhiệm và nghĩa vụ của các bác sĩ trẻ. Ít nhất quyền lợi bảo đảm 60% và nghĩa vụ là 40%”, TS Phạm Văn Tác cho biết.

Theo kế hoạch Dự án 585, đến năm 2020 sẽ có khoảng 300 - 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Đây thực sự là một “lời mời” hấp dẫn mà Bộ Y tế dành cho các bác sĩ trẻ. Tuy nhiên, điều mà chính Giám đốc dự án quan ngại, đó là khi bác sĩ tình nguyện rời các huyện nghèo thì ai có thể lấp vào khoảng trống này. Vì vậy, dự án sẽ hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng tuyển chọn, đó là tìm chính bác sĩ địa phương để đưa đi đào tạo, sau đó trở về làm việc khi bác sĩ trẻ tình nguyện rời đi. Tuy nhiên, đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế.

Tùng Lĩnh (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top