Tăng cường chăm sóc mắt hòa nhập cộng đồng

09:13 - Thứ Hai, 26/03/2018 Lượt xem: 6275 In bài viết
ĐBP - Triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2014, Dự án “Tăng cường chăm sóc mắt hòa nhập cộng đồng tại tỉnh Ðiện Biên” do tổ chức CBM hỗ trợ đã góp phần không nhỏ nâng cao hiểu biết của người khuyết tật, đảm bảo quyền lợi và hướng họ tới khả năng tự hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

 

Bác sĩ Khoa mắt, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội khám cho bệnh nhân.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (PCBXH), cho biết: Trong thời gian triển khai, Dự án Tăng cường chăm sóc mắt hòa nhập cộng đồng tại tỉnh Ðiện Biên tổ chức khám, mổ đục thủy tinh thể, mổ quặm, mộng mắt cho người bệnh; triển khai khám, chữa tật khúc xạ ở trẻ em, nhất là đối với trẻ sơ sinh; tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, cũng như hỗ trợ phẫu thuật, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; hỗ trợ tiền đi lại đối với bệnh nhân mổ đục thủy tinh thể... Ðồng thời, Dự án còn lồng ghép truyền thông các vấn đề về bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, hòa nhập khuyết tật cộng đồng. Tiếp nối thành công của giai đoạn 2014 - 2016, bước vào giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2020, Dự án tập trung vào công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, đa dạng như: trực tiếp, tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Mông, Thái) với các thông điệp về chăm sóc mắt, các bệnh về mắt... chú trọng vào các nhóm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi. Dự án phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tổ chức tập huấn, tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, hướng dẫn giáo viên, nhân viên y tế trường học cách phát hiện, phòng tránh tật khúc xạ cho học sinh; cung cấp 4.000 tờ tài liệu truyền thông và 320 bộ tài liệu về tật khúc xạ cho 8 trường THCS trên địa bàn thành phố. Dự án tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc mắt có chất lượng cho các tuyến. Riêng trong năm 2017, Dự án đã đào tạo cho Trung tâm PCBXH 1 bác sĩ khúc xạ viên, 1 bác sĩ chuyên khoa mắt; đào tạo 2 bác sĩ chuyên khoa định hướng mắt cho 2 huyện Mường Chà và Nậm Pồ; mở lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và y tế trường học cho 29 học viên tham dự... Ngoài ra, Dự án còn chú trọng trang bị các thiết bị thiết yếu để khám chữa mắt cho các bệnh viện và cơ sở chuyên khoa mắt trong tỉnh, giúp cho công tác khám chữa và chăm sóc mắt có chất lượng tốt hơn. Như trong năm 2017, dự án trang bị 1 kính volk soi góc tiền phòng 3 gương nhằm phát hiện bệnh glocoma, 1 bộ thử kính, 1 bộ dụng cụ phẫu thuật phaco gồm 12 chi tiết cho Khoa Mắt, Trung tâm PCBXH. Ðể người bệnh yên tâm điều trị, dự án hỗ trợ tiền ăn với mức 135.000 đồng/bệnh nhân trong thời gian mổ cho người khuyết tật, người nghèo; hỗ trợ chi phí đi lại cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...

Qua thời gian thực hiện, dự án đã mang lại cho tỉnh hiệu quả kinh tế xã hội. Với việc kiểm soát mù lòa do đục thể thủy tinh, trung bình toàn tỉnh mỗi năm có khoảng hơn 500 người bệnh được mổ mắt, nhờ đó họ thoát khỏi cảnh mù lòa. Tổng số dự tính từ năm 2014 - 2016 có gần 1.900 mắt, năm 2017 có 512 mắt được mổ sáng lại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Với hoạt động chăm sóc tật khúc xạ ở trẻ em, mỗi năm có khoảng 600 học sinh phổ thông được khám sàng lọc để phát hiện tật khúc xạ học đường. Qua đó, giúp cha mẹ học sinh kịp thời đưa con đi khám chữa bệnh, giúp các em có thị lực tốt để học tập và sinh hoạt dễ dàng hơn.

Từ những hoạt động của Dự án Tăng cường chăm sóc mắt hòa nhập cộng đồng tại tỉnh Ðiện Biên, mạng lưới chăm sóc mắt ban đầu ở các địa phương trong toàn tỉnh được xây dựng, tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe về mắt tốt hơn, phòng tránh được những căn bệnh gây mù lòa; kịp thời phát hiện, chuyển đi điều trị tại các cơ sở y tế, hạn chế tối đa nguy cơ mù lòa cho bệnh nhân.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top