Ðể không còn những cái chết thương tâm

08:41 - Thứ Năm, 19/04/2018 Lượt xem: 7077 In bài viết
ĐBP - Những hủ tục như: không tin vào cơ sở khám chữa bệnh, dùng hình thức cúng bái, làm lý, chữa bệnh bằng mẹo... ở vùng cao, vùng sâu vùng xa, không chỉ gây ra những hệ quả đau lòng đối với cuộc sống của người dân, mà còn là nguyên nhân chính dẫn tới những cái chết cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trong chuyến công tác tại huyện Nậm Pồ, chúng tôi được Trung tâm Y tế huyện cung cấp con số trẻ em tử vong đáng báo động và các câu chuyện đáng buồn xoay quanh những hủ tục của người dân nơi đây.

Theo thống kê năm 2017, huyện Nậm Pồ có 161 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, chiếm 83,1 0/00 số trẻ được sinh ra toàn huyện. Trong đó, 65,8% trẻ tử vong do viêm phổi, còn lại do viêm não, tai nạn thương tích, không được tiêm chủng đầy đủ và không được chăm sóc sơ sinh đúng cách. Riêng 2 tháng đầu năm 2018, huyện Nậm Pồ có 13 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2017; tuy nhiên, đây vẫn là con số đáng lo ngại đối với công tác chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại huyện Nậm Pồ.

 

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ thăm khám bệnh nhân nhi.

Nói về điều này, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, chia sẻ: “Qua khảo sát từ năm 2017 đến nay, chúng tôi thấy 73,9% số trẻ tử vong là do ốm đau tại nhà, không được đưa đi khám chữa bệnh kịp thời hoặc đã đưa tới các cơ sở y tế song người nhà xin về. Do nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc còn hạn chế, họ chưa tin tưởng vào cơ sở khám chữa bệnh và chưa biết quan tâm tới sức khỏe của trẻ em. Họ vẫn tin rằng việc cúng bái, chữa mẹo có thể giúp trẻ khỏi bệnh... Mặc dù chính quyền huyện Nậm Pồ và ngành Y tế tỉnh đã vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt trong việc tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại huyện Nậm Pồ; nhưng để thay đổi về nhận thức, hủ tục tồn tại lâu đời của đại bộ phận người dân tộc ở vùng cao là điều hết sức khó khăn”.

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng bệnh nhân nội trú trong Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm, ở vùng cao Nậm Pồ, nhiệt độ lạnh quanh năm nhưng trẻ em không được quan tâm giữ ấm cơ thể và ăn mặc đầy đủ, chính vì thế, số trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, sốt rét... khá cao. Trong khi đó, bố mẹ và người thân trong gia đình các trẻ vì bận mải đi làm nương, mưu sinh hàng ngày nên chưa quan tâm với sức khỏe của trẻ. Chỉ khi bệnh biến chuyển nặng như suy hô hấp, khó thở, sốt cao... thì mới đưa tới cơ sở y tế; tuy nhiên tỷ lệ cấp cứu thành công rất thấp.

Bên cạnh đó, do nhận thức của bà con dân tộc, nhất là dân tộc Mông còn hạn chế, khi trẻ được điều trị tại cơ sở y tế từ 1- 3 ngày chưa thấy biến chuyển, họ không kiên trì theo hướng dẫn của y, bác sỹ, mà tự ý cho con ra viện về nhà chăm sóc, chữa mẹo dân gian hay mời thầy cúng tới “chữa bệnh”. Cũng có trường hợp trẻ ốm nặng nhưng người nhà nhất định không cho trẻ tới trung tâm y tế. Vì họ cho rằng khi trẻ ốm là đang bị “ma ám” và để ở nhà, dùng thuốc nam, chữa mẹo như cấu, véo, hơ lửa... khiến trẻ đã ốm đau lại thêm các thương tích nặng nề trên cơ thể, có nhiều trường hợp không qua khỏi.

Ðã có nhiều cái chết của trẻ dưới 5 tuổi được tìm thấy ở các bản vùng cao, nhưng người dân vẫn chưa biến chuyển nhận thức. Họ cho rằng, sự sống và cái chết vốn là quy luật tự nhiên, còn sống, còn mưu sinh thì còn đẻ được những đứa trẻ khác. Theo bác sỹ Mạnh, trong nhiều năm công tác tại Nậm Pồ, anh thấy một số bản bà con còn duy trì nhiều hủ tục và “tẩy chay” cơ sở y tế. Ðặc biệt như: bản Huổi Thủng 2 (xã Na Cô Sa), bản Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ), bản Vàng Lếch, bản Huổi Tang (xã Nậm Tin), bản Huổi Dạo (xã Vàng Ðán)...

Chỉ mới cách đây 1 năm, trong lần đi tuyên truyền tại bản Nậm Nhừ 1, các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ đã chứng kiến một trường hợp gia đình người dân (xin phép giấu tên) đang dùng thủ thuật chích máu toàn thân để chữa ốm cho một trẻ nhỏ 3 tuổi. Khi đó, các bác sĩ đã giải thích, đề nghị gia đình để bác sĩ thăm, khám cho trẻ và đưa trẻ tới cơ sở y tế chữa bệnh. Tuy nhiên, gia đình trẻ không những không hợp tác, mà còn có thái độ kích động, đe dọa nhân viên y tế. Ðược biết, sau đó vài ngày, trẻ đó đã tử vong.

Trường hợp gần đây nhất là cháu Thào A Phong, 40 ngày tuổi, trú tại bản Huổi Ðáp, xã Nà Khoa, đang nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện do viêm phổi. Khi đưa tới Trung tâm y tế, trên người cháu Phong có nhiều vết bầm tím ở vùng bụng và ngực do người nhà chưa biết cháu bị bệnh gì nhưng tự ý đánh cảm, khiến tình trạng cháu Phong trở nên nặng thêm. Tại phòng điều trị, anh Thào A Lờ, bố cháu Phong cho biết: Vì gia đình tôi chủ quan, tự ý chữa bệnh cho con ở nhà, nên con tôi bị biến chứng nặng hơn. Rất may có sự tuyên truyền kịp thời của các bác sĩ nên chúng tôi đã đưa con tới Trung tâm Y tế huyện điều trị. Giờ đây, sức khỏe của con tôi đã khá hơn, tôi rất cảm ơn các bác sĩ. Từ nay gia đình tôi không tin vào các biện pháp chữa bệnh mẹo dân gian nữa đâu!.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Sùng A Chỉnh, bản Nậm Chua 1, xã Nậm Nhừ. Ðược biết, cách đây 1 tháng, cháu Sùng Thị Hoa, con gái anh Chỉnh mới được 13 ngày tuổi, bị cảm lạnh trong tình trạng nguy cấp dẫn tới đông cứng cơ thể. Cháu Hoa đã được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Tuy nhiên chỉ sau 1 ngày điều trị không thấy tình trạng con biến chuyển, gia đình anh Chỉnh đã sốt ruột, cho con về nhà mời thầy cúng và tự chữa mẹo. “Tôi ân hận lắm, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện đã khuyên bảo nhưng tôi không nghe. Vì tin vào việc cúng sẽ khỏi nên chúng tôi đã mời thầy cúng tới đuổi ma cho con gái; đồng thời chữa mẹo bằng cách dùng lửa hơ nóng cơ thể con. Nhưng các biện pháp đó càng làm bệnh tình con tôi ngày một xấu hơn. Vài hôm sau thì con tôi qua đời” - anh Chỉnh buồn rầu kể.

Ðã 1 tháng trôi qua, nhưng không khí tang tóc, đau thương vẫn còn nguyên trong gia đình anh Chỉnh, khiến nhiều người dân trong bản Nậm Chua 1 cũng tỉnh ngộ ra, khi biết việc cầu cúng, châm lửa chữa mẹo không phải là giải pháp tối ưu để cứu sống một đứa trẻ đang ốm. Già làng Sùng A Lý cho biết: Những năm gần đây, đời sống của bà con bản tôi đã khá hơn trước, nhưng họ vẫn chưa thay đổi nhận thức. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp trẻ ốm nhưng gia đình vẫn dùng các hủ tục, mê tín để chữa bệnh. Trường hợp của cháu Hoa không phải là duy nhất trong bản.

Ðược biết, từ năm 2017 đến nay, tại các xã có số trẻ tử vong dưới 5 tuổi cao như: Nà Bủng, Vàng Ðán, Nậm Chua, Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Nậm Tin... UBND huyện Nậm Pồ đã hỗ trợ kinh phí để Trung tâm Y tế huyện thực hiện các buổi tuyên truyền, vận động các bà mẹ và người nuôi dưỡng trẻ; mở lớp tập huấn chuyên môn cho viên chức xã, cô đỡ thôn bản... Tuy nhiên, chuyển biến nhận thức của đại bộ phận người dân còn rất chậm. Vẫn biết, việc thay đổi nhận thức và những hủ tục tồn tại lâu đời của bà con dân tộc ở vùng cao là điều không phải một sớm một chiều, nhưng sẽ khả quan hơn nếu có sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan. Trong đó, việc đầu tiên vẫn là hỗ trợ phát triển kinh tế, để bà con nâng cao đời sống dân trí, từ đó mới dần chuyển biến nhận thức, tư duy.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top