Y học cổ truyền phát triển vẫn còn khiêm tốn

14:44 - Thứ Tư, 18/07/2018 Lượt xem: 6274 In bài viết
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện nay y học cổ truyền vẫn còn phát triển khiêm tốn về cả số lượng cơ sở khám, chữa bệnh; chất lượng nhân viên y tế cũng như cung cấp kiến thức cho người dân về giá trị của khám, chữa bệnh y học cổ truyền.

Sáng 17-7, Bộ Y tế tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TƯ của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới của ngành y tế.

 

Các sản phẩm từ dược liệu "made in Vietnam" lạc tiên tây đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức, Pháp.

Khan hiếm cán bộ y tế trong lĩnh vực y học cổ truyền

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24, hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền (YDCT) được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Đến 2018, tổng số bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) tuyến tỉnh là 58/63 (ba tỉnh có hai bệnh viện và bảy tỉnh chưa có bệnh viện YHCT). Hệ thống khoa và tổ YHCT trong bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh tăng lên 82,3%; tuyến huyện tăng lên 93,13% vào năm 2017.

Tại tuyến y tế cơ sở, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám, chữa bệnh (KCB) YHCT tăng 23,99% so với năm 2008. Tỷ lệ các xã đã triển khai KCB YHCT được thanh toán BHYT đạt 70,18%, các trạm y tế xã có vườn thuốc mẫu đạt 88,87%.

Số lượng các cơ sở sản xuất thuốc dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP tăng dần, từ 32 cơ sở năm 2014 tăng lên 64 cơ sở đạt GMP vào năm 2017. Các cơ sở nuôi trồng dược liệu tăng lên với 563 cơ sở vào năm 2017 với 25 tỉnh có quy hoạch vùng trồng cây thuốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện nay YDCT phát triển còn rất khiêm tốn. Việc truyền thông cho người dân, cung cấp kiến thức cho người dân về YHCT, về “cái hay, cái được” của thuốc đông y còn kém. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực YDCT cũng là vấn đề còn phải bàn tới. “Tuyến tỉnh, thậm chí tuyến Trung ương, các bác sĩ chuyên khoa trong ngành YHCT còn rất khan hiếm. Tỷ lệ KCB YHCT kết hợp với y học hiện đại ở các tuyến chưa đạt như mong muốn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, số lượng nhân lực làm công tác YDCT có trình độ chuyên sâu đến năm 2017 đạt 5,69% so với nhân lực y tế nói chung. Mặc dù thời gian qua đã có sự tăng trưởng về số học viên được đào tạo với ngành, nghề đa dạng hơn, nhưng trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng đông y của người dân ngày càng cao thì y dược cổ truyền vẫn chưa đáp ứng được.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, mục tiêu của Chính phủ yêu cầu tỷ lệ cán bộ trong lĩnh vực này phải đạt 10% ở tuyến Trung ương; 15% ở tuyến tỉnh; 20% ở tuyến huyện và 30% ở tuyến xã. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ cán bộ y dược cổ truyền trong hệ thống công lập thấp, chỉ chiếm 4,49% so với nhân lực y học hiện đại. Có một thực tế khó thu hút bác sĩ chuyên môn y học cổ truyền là bởi, các bác sĩ này chỉ được học các bậc sau đại học về y học cổ truyền mà không được phép học thêm sau đại học về y học hiện đại.

Chồng chéo trong quản lý, thiếu chính sách ưu tiên

Trong lĩnh vực YHCT vẫn còn rất nhiều chồng chéo trong quản lý nhà nước. Hiện nay, Bộ Y tế quản lý về thuốc dược liệu, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn quản lý nuôi trồng cây thuốc và Bộ Công thương quản lý việc buôn bán, xuất nhập khẩu dược liệu cho lĩnh vực thuốc… “Chưa có cơ quan làm đầu mối để thống nhất quản lý chuỗi dược liệu. Công tác quy hoạch vùng dược liệu gặp khó khăn vì liên quan đến nhiều bộ, ngành. Hành lang pháp lý riêng của YDCT chưa hoàn thiện và YHCT đang áp dụng chung cơ chế chính sách của y học hiện đại”, ông Khánh nhấn mạnh.

Các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ trong việc công nhận các phương pháp chữa bệnh gia truyền, bài thuốc gia truyền mà đây là một kênh chữa bệnh theo phương pháp đông y khá phổ biến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định quản lý những người kinh doanh, mua bán dược liệu. Các vị thuốc cổ truyền tự do chưa được cấp phép, chủ yếu hoặc hoạt động theo truyền nghề, không qua đào tạo. Việc bố trí vốn cho YDCT cũng gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

“Số bệnh viện đầu tư kinh phí cho xây dựng còn khiêm tốn, tỷ lệ kinh phí chung chi thực tế chỉ đạt 4,3% so với quyết định giao ngân sách từ TƯ, ngân sách địa phương đạt 18,14% và từ nguồn ngân sách khác đạt 2,52%”, TS Phạm Vũ Khánh cho biết.

Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các bệnh viện YHCT trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, thanh toán BHYT trong việc liên thông BHYT. Kinh phí chi cho mua dược liệu, vị thuốc YHCT ở cả hệ thống bệnh viện YHCT và khoa YHCT trong các bệnh viện đa khoa ở 55 tỉnh, thành phố chỉ tương đương kinh phí mua thuốc của một bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương.

Chính sách ưu tiên chưa đủ sức hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, vị thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ YHCT chưa có sức cạnh tranh, chưa tạo ra sức đột phá, các dịch vụ của YHCT Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn, từ đó việc trồng dược liệu vẫn mang tính tự phát, một số dược liệu không tìm được đầu ra dẫn đến tình trạng dư thừa. Nhiều dược liệu có khả năng nuôi trồng trong nước nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Bộ trưởng Y tế nhận định, đã có hơn 120 nước trên thế giới sử dụng YDCT để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại Việt Nam, tới đây nhu cầu về chăm sóc sức khỏe YHCT sẽ là một lựa chọn ưu tiên của nhiều đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mới nổi, bệnh khó chữa. Với chính sách “người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”, YHCT phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chú trọng phát triển dược liệu "made in Vietnam", phát triển nguồn nhân lực, cung cấp dịch vụ y tế cao… và đặc biệt cần tăng cường hợp tác quốc tế để đưa các dịch vụ YDCT Việt Nam ra thế giới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top