Khó khăn trong thực hiện công tác y tế trường học

08:17 - Thứ Sáu, 20/09/2019 Lượt xem: 13150 In bài viết

ĐBP - Thực hiện công tác y tế trường học, những năm qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh; phòng chống dịch bệnh, bệnh tật học đường, tai nạn thương tích trong trường học... Song hiện nay công tác y tế trường học nảy sinh những hạn chế, khó khăn, cần sớm có giải pháp khắc phục.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Nam Thanh chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại trường.

Ðến hết năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 510 cơ sở giáo dục (chỉ tính các trường mầm non và phổ thông). Toàn tỉnh có 343 trường đã có nhân viên y tế trường học.

Mặc dù nhiều trường chưa có nhân viên y tế trường học song thực hiện Văn bản số 2378/VPCP-KGVX ngày 8/4/2015 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác y tế trường học và hoạt động tài chính kế toán tại các cơ sở GD&ÐT; Văn bản số 1465/UBND-KGVX ngày 21/5/2015 của UBND tỉnh về việc tạm dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, những năm qua ngành GD&ÐT cũng không tuyển dụng thêm vị trí nhân viên y tế trường học. Thay vào đó, tại những trường chưa có nhân viên y tế, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh được giao cho nhân viên y tế của trường trên cùng địa bàn có khoảng cách gần nhau kiêm nhiệm (1 nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ ở 2 trường).

Năm học 2019-2020, huyện Nậm Pồ có 40 trường học thuộc 3 cấp: Mầm non, tiểu học và THCS, song chỉ một nửa số trường trên địa bàn huyện có nhân viên y tế. Những trường chưa có nhân viên y tế, Phòng GD&ÐT huyện phải cử nhân viên y tế ở các trường khác phụ trách kiêm nhiệm. Trong điều kiện các trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, giao thông đi lại cách trở... việc thực hiện đồng thời nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh tại 2 trường khiến nhân viên y tế trường học gặp nhiều trở ngại, vất vả, nhất là tại các trường có nhiều điểm trường lẻ.

Ngay đối với địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, việc kiêm nhiệm cũng khiến nhân viên y tế trường học gặp nhiều khó khăn. Chị Hoàng Thị Huệ, nhân viên y tế Trường THCS Tân Bình chia sẻ: Ngoài thực hiện nhiệm vụ y tế tại Trường THCS Tân Bình, chị còn kiêm nhiệm việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ Trường Mầm non Him Lam. Việc kiêm nhiệm công việc tại 2 trường khiến chị gặp nhiều khó khăn, áp lực do số lượng học sinh lớn (hơn 1.000 học sinh của 2 trường), đối tượng học sinh của mỗi trường lại khác nhau, khối lượng công việc nhiều, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ hết sức vất vả, nhất là khi cả 2 trường đều có học sinh bị ốm, tai nạn thương tích cần phải sơ cứu, chăm sóc y tế...

Không chỉ thiếu về nhân lực mà một số nhân viên y tế trường học còn chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13 của liên Bộ: Y tế, GD&ÐT (nhân viên y tế trường học chuyên trách phải có trình độ tối thiểu là trung cấp y sỹ). Cùng với đó, toàn tỉnh vẫn còn 68/498 trường chưa có phòng y tế, một số trường do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên không có phòng y tế riêng mà phải ghép với phòng khác. Mặt khác, kinh phí để thực hiện công tác y tế trường học rất hạn hẹp, bao gồm từ 2 nguồn ngân sách Nhà nước bố trí trong chi sự nghiệp GD&ÐT hàng năm của các cơ sở giáo dục và nguồn kinh phí được trích lại từ Quỹ khám chữa bệnh BHYT đối tượng học sinh, sinh viên. Ngoài ra, tủ thuốc và trang thiết bị y tế tại một số trường chưa được quan tâm đầu tư, nhất là ở cấp học mầm non; công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở một số trường chưa sâu; nhận thức của một bộ phận học sinh, phụ huynh về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, đặc biệt là ở các trường vùng sâu, vùng xa...

Nhiệm vụ của nhân viên y tế học đường ngoài thực hiện tốt việc giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh trong trường học còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc trong trường học và các cơ sở giáo dục... Với thực tế hiện nay, ngành GD&ÐT cần sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế nhất là về cơ sở vật chất nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu công tác y tế trường học.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top