Không chủ quan với bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng

08:58 - Thứ Hai, 02/03/2020 Lượt xem: 9943 In bài viết

ĐBP - “Viêm da tiếp xúc do côn trùng thường bị nhầm với bệnh zona thần kinh. Nhiều người bệnh chủ quan không khám, xin tư vấn bởi bác sĩ mà hỏi trên mạng xã hội và phần lớn cộng đồng mạng cho rằng những vết tổn thương da là zona thần kinh, dẫn đến xử trí, điều trị sai” - bác sĩ da liễu Nguyễn Thị Hằng, Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu - Chống độc (Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết.

Người dân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đến khám tại cơ sở y tế.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng viêm da cấp tính do chất tiết của côn trùng chạm vào da, xảy ra ở những vị trí da tiếp xúc với các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc đã chết. Những côn trùng gây viêm da tiếp xúc thường là bướm, bù mắt, sâu ban miêu, giời, rết, kiến ba khoang... Phản xạ tự nhiên dùng tay quệt, đập... sẽ làm các độc chất của côn trùng tiết ra gây viêm da tại vị trí tiếp xúc. Tổn thương da có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vị trí trên cơ thể, khác với bệnh zona chỉ có một bên, phải hay trái. Tổn thương có thể lây từ vị trí này sang chỗ khác qua tiếp xúc, đặc biệt nếu tổn thương ở cạnh nếp gấp như bẹn, khuỷu tay, khoeo chân, nách, cổ… sẽ tạo ra tổn thương đối xứng qua nếp gấp.

Biểu hiện bệnh ban đầu hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da. Sau 6 - 12 tiếng phát triển thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm. 1 - 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này người bệnh thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo sốt nhẹ, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết xẫm màu, toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày. Một số ít bệnh nhân chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng nước phỏng mủ. Các mụn mủ nơi da tiếp xúc với côn trùng tiến triển 5 - 7 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng dị ứng có thể kéo dài và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là khi gãi, chà xát vùng da tổn thương. Bệnh nguy hiểm khi bị ở vùng mắt.

Mùa cao điểm của bệnh thường là mùa mưa, nhiều côn trùng bay, bò vào nhà ở. Mùa đông mặc nhiều lớp quần áo, những con vật nhỏ bò, bám vào không biết cũng gây nhiều ca bệnh. Vào những tháng cao điểm, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng khám, tư vấn cho trung bình 100 ca viêm da tiếp xúc/tháng. Người bệnh thường được kê thuốc về bôi nhưng cũng có nhiều trường hợp chủ quan để vùng da tổn thương bị bội nhiễm phải điều trị mất thời gian hơn. Ðể hạn chế tình trạng bệnh, ngay khi phát hiện tiếp xúc với dịch, độc chất của côn trùng cần rửa sạch vùng da với nước và xà phòng, tạm sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da nếu có. Ðiều trị sớm bệnh rất đơn giản, có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh phải dùng kháng sinh và có thể để lại sẹo.

Ðể phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng khuyến cáo: Người dân cần mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày; khi làm việc dưới ánh đèn hạn chế quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng, sau khi phơi ngoài trời; thấy côn trùng đậu trên người thì thổi, gạt cho bay đi chứ không chà xát mạnh, tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang; vào mùa mưa đề phòng côn trùng bay vào nhà ta có thể xịt các loại thuốc diệt côn trùng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm…

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top