Tiêm phòng lao cho trẻ càng sớm càng tốt

09:16 - Thứ Hai, 05/10/2020 Lượt xem: 6266 In bài viết

ĐBP - Tiêm phòng lao cho trẻ trong tháng đầu tiên sau khi sinh là rất cần thiết, chỉ với một mũi tiêm duy nhất sẽ giúp trẻ phòng ngừa được bệnh lao và nhiều biến chứng nguy hiểm khi lớn lên. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp gia đình không quan tâm, chú ý đến việc tiêm phòng lao cho trẻ, khiến trẻ không được tiêm hoặc tiêm muộn, dẫn đến hậu quả nặng nề nếu trẻ mắc bệnh.

Trẻ sơ sinh được khám sàng lọc trước khi tiêm phòng lao tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh.

Bệnh lao do vi khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra. Ðây là loại vi khuẩn có thể lây truyền qua không khí. Khi nhiễm vi khuẩn lao, bệnh nhân dễ bị các biến chứng về phổi và cũng có thể lây lan sang xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác. Vì vậy, tiêm phòng lao đầy đủ có ý nghĩa rất lớn với chính bản thân và cộng đồng. Có thể tiêm phòng lao ở mọi lứa tuổi, nhưng càng sớm càng tốt. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ nhỏ nên tiêm trong tháng đầu tiên sau sinh, (trước 28 ngày tuổi là tốt nhất).

Có mặt tại phòng tiêm Khoa Sản (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), chúng tôi gặp gần chục gia đình xếp hàng đợi khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh được tiêm phòng lao. Hàng ngày vào các buổi sáng, tại đây luôn có bác sĩ khám và tiêm phòng lao cho trẻ, dù số lượng trẻ nhiều hay ít. Chị Nguyễn Thị Nhung, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) sinh bé thứ hai tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Sau khi được bác sĩ tư vấn và khám sàng lọc, bé nhà chị Nhung đã được tiêm phòng lao ngay trong 24 giờ đầu sau sinh. Chị Nhung cho biết: Vì đã có kinh nghiệm từ khi sinh bé đầu lòng, cũng như biết được lợi ích của việc tiêm phòng lao nên tôi đã xác định rằng con được tiêm phòng lao càng sớm càng tốt.

Theo chị Hoàng Thu Hà, hộ sinh trưởng Khoa Sản: Tiêm phòng lao có vai trò rất quan trọng và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trong đó, lao là một trong hai vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho các trẻ sơ sinh (viêm gan vi rút B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh). Trẻ sơ sinh sau khi khám sàng lọc, có đủ điều kiện sức khỏe đều sẽ được tiêm phòng lao miễn phí để có thể phát triển khỏe mạnh. Với những trẻ sinh non hoặc có bệnh lý cần chăm sóc đặc biệt, cần đợi đến khi trẻ có thể trạng ổn định mới nên tiêm phòng lao và phải tiến hành càng sớm càng tốt. Trẻ sau khi được tiêm phòng lao sẽ được bác sĩ theo dõi, sau đó hướng dẫn gia đình cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng và phổ biến lịch tiêm chủng cho trẻ.

Sau khi tiêm phòng lao, thông thường chỗ tiêm sẽ xuất hiện nốt nhỏ và biến mất sau 30 phút. Sau khoảng 10 - 15 ngày, xuất hiện một vết loét đỏ, có mưng mủ, kích thước bằng đầu bút chì. Sau đó 2 tuần, vết loét sẽ tự lành để lại một sẹo nhỏ đường kính 5mm, điều đó chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch. Một số trường hợp có thể nổi hạch ở nách hoặc khuỷu tay; hạch mềm, di động, sưng trong vài tháng sau tiêm rồi lành tự nhiên.

Ðể tiêm phòng lao đạt hiệu quả, gia đình cần chú ý: Không tiêm khi trẻ đang sốt, đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi…); trẻ đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da… Trẻ sau khi tiêm phòng lao không cần kiêng tắm, cha mẹ nên vệ sinh thân thể cho bé sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng, không nên cho trẻ ăn, bú quá no; cũng không nên để trẻ đói vì như vậy dễ gặp tình trạng hạ đường huyết sau tiêm. Nếu thấy trẻ có các triệu chứng bất thường, như: Trẻ bị nổi ban; sốt cao từ 38,5 độ trở lên, uống thuốc hạ sốt không giảm; trẻ tím tái và mất ý thức; bị co giật giống như động kinh; tình trạng sốt, sưng đau, khóc, quấy, bú kém kéo dài trên 24 giờ… thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được thăm khám, tư vấn và điều trị đúng phương pháp, không tự ý xử lý cho trẻ dùng thuốc tại để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top