Hơn cả những lời tri ân

13:09 - Thứ Bảy, 27/02/2021 Lượt xem: 5990 In bài viết

ĐBP - Chưa bao giờ ngành Y tế tỉnh đón Ngày Thầy thuốc Việt Nam đặc biệt như năm nay. Bỏ lại phía sau những bó hoa rực rỡ, những lời chúc mừng, phút hàn huyên chuyện nghề; những y, bác sĩ đêm ngày căng mình trên tuyến đầu cam go chống dịch bệnh Covid-19; tất cả vì sức khỏe, vì sự an toàn của nhân dân.

Các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp điều trị tại khu điều trị, cách ly (Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng).

Liên hệ với lãnh đạo ngành Y tế ngày cuối tuần vì cho rằng lịch làm việc của ông sẽ vơi bớt bận rộn; đầu máy bên kia bắt máy cực nhanh, lời ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế dường như vội vã: “Nhà báo à, mình đang trên đường đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 ở một số khu cách ly tập trung. Sắp tới nơi rồi nên khi nào xong việc mình liên lạc lại nhé”. Sợ đầu bên kia cúp liền, chúng tôi vội tiếp lời: Thủ trưởng “vi hành” âm thầm quá, anh em báo chí chả biết thông tin để xin được đi cùng! Vẫn giọng hào sảng của ông Nam “Vi hành gì chứ, việc thường ngày của ngành thôi. Dịch dã thế này mình phải trực tiếp kiểm tra vừa nắm tình hình và động viên anh em chống dịch”. Trước khi kết thúc câu chuyện, ông Nam nói vui: Phải “đánh úp” thì mới biết anh em cơ sở có trách nhiệm không, làm việc tới đâu rồi quyền lợi của các công dân thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung có đảm bảo không?

Ðặt lịch phỏng vấn, đề nghị cung cấp thông tin với các y, bác sĩ ngành Y tế tỉnh nhà thời điểm chống dịch Covid -19 này cực khó chứ chưa nói gì đến việc được gặp trực tiếp. Không phải họ gây khó khăn, cản trở tác nghiệp mà công việc của ngành lúc này ưu tiên hàng đầu cho việc thực hiện phòng chống dịch; trực chiến, nhận lệnh bất cứ khi nào. Thấu cảm với những vất vả, sự hi sinh của các chiến binh áo trắng trên mặt trận chống dịch, không chỉ chúng tôi mà ai cũng thầm ngưỡng mộ, biết ơn khi chính họ đang lặng lẽ căng mình trong “trận chiến đánh đuổi Covid-19”. Và để người dân yên tâm với thông tin hàng ngày ngành Y tế tỉnh nhà phát ra, kiểu như: Sáng nay, ngày nay rồi bao nhiêu ngày qua Ðiện Biên không phát hiện mới ca dương tính với SARS-CoV-2; sau mấy lần 3 ca mắc Covid-19 ở tỉnh cho kết quả âm tính... đều phải đánh đổi biết bao công sức, sự tận tâm, tận lực và trách nhiệm trước cả những hiểm nguy lây nhiễm luôn trực chờ. Ở bộ phận nào, khâu chuyên môn nào khi đã tham gia tuyến đầu chống dịch cũng có những vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc lây nhiễm đặc thù. Nếu như các y, bác sĩ làm việc ở các khu cách ly tập trung thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 khi hàng ngày tiếp xúc với đối tượng F0, F1 thậm chí là F2 thì những y, bác sĩ ở lĩnh vực dự phòng luôn phải căng mình, không kể ngày đêm truy vết, rà soát các trường hợp liên quan tới các yếu tố dịch tễ từ các ca bệnh; các y, bác sĩ ở các điểm trực chốt “tinh thần thép” sẵn sàng bật dậy ngay trong đêm khuya lạnh giá đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo thông tin y tế...

Là địa bàn “nóng” khi có 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, nên cán bộ y, bác sĩ ở huyện Mường Ảng không chỉ nhiều đêm thức trắng mà còn là cả quãng thời gian cam go, thấp thỏm vì số ca dương tính này. Ðiều tra, truy vết là một trong những nhiệm vụ cấp tốc, gấp rút phải làm ngay, đây cũng được xác định là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Ngay sau khi các y, bác sĩ, viên chức Trạm Y tế xã Ẳng Tở phải thực hiện cách ly y tế tập trung vì tiếp xúc với trường hợp F0, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập đội cơ động với hơn chục y, bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt thay phiên nhau chi viện cho Trạm Y tế Ẳng Tở đảm nhiệm phần việc của các y, bác sĩ này đang làm. Vừa trực tiếp lấy thông tin khai báo y tế của những người đi từ vùng dịch về, những người tiếp xúc với ca bệnh F0...; cán bộ y tế đã hướng dẫn người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh trên địa bàn xã tới Trung tâm Y tế huyện. Cùng với đó 5 tổ giám sát, lấy mẫu của Trung tâm nhanh chóng tỏa đi các xã, thị trấn trong thời gian sớm nhất để lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp nguy cơ cao, người đi từ vùng dịch về... Không quản ngày đêm mỗi cán bộ y, bác sĩ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tình cảm cao nhất dành cho người dân vùng dịch; số mẫu xét nghiệm được lấy gấp rút để kịp thời gửi đi xét nghiệm; sớm có kết quả sẽ giúp người dân vùng dịch yên tâm, không hoang mang, lo lắng. Và đặc biệt những y, bác sĩ trực tiếp làm việc tại các khu điều trị, cách ly như bác sĩ Mùa A Và (Khoa Khám bệnh), bác sĩ Lò Văn Cường (Khoa Truyền nhiễm)... trực tiếp điều trị cho 2 trường hợp F0 trước khi chuyển về Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ thực sự là những chiến binh quả cảm, tinh thần thép. Bác sĩ Mùa A Và tâm sự: Thường ngày mình được phân công làm việc ở Khoa Khám bệnh nhưng dịch bệnh Covid-19 ập tới, mình được Ban Giám đốc Trung tâm cử sang làm việc ở khu điều trị, cách ly, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân F0, trường hợp F1, F2, F3 có bệnh nền (sốt, ho, viêm họng, viêm amidan...). Cả khu điều trị này chỉ có 3 bác sĩ, 2 điều dưỡng làm nhiệm vụ tiếp đón, điều trị, theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt cho bệnh nhân 2 lần/ngày đến làm luôn công việc của hộ lý như: Thay chăn màn, quần áo của người bệnh; đem thức ăn tới cho người bệnh và dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn, đổ rác... Sau khi bệnh nhân F0 chuyển điều trị về Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ thì từng ấy bác sĩ, điều dưỡng vẫn miệt mài đảm nhiệm “gánh” nhiều vai này. Bác sĩ Và chia sẻ: Vợ chồng cùng làm ở Trung tâm Y tế, vợ làm hộ lý ở Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Từ khi mình đảm nhiệm công việc điều trị tại khu điều trị, cách ly thì hàng ngày chỉ có thể nhìn thấy nhau từ xa thôi, chứ đâu được lại gần. Do điều kiện làm việc của mình là tiếp xúc điều trị với các ca bệnh F0, đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao nên khoảng 15 - 16 ngày liên tục mình ở khu điều trị “3 cùng” với người bệnh, ít sử dụng đến điện thoại di động khi không thực sự cần thiết; không ra khỏi khu vực làm việc chứ chưa nói tới việc về nhà thăm vợ con. Những lúc lơ mơ chợp mắt lại giật mình nhớ nhà, nhớ vợ con da diết! Phút nhớ nhà lại vụt qua, vòng xoáy công việc như cuốn mình đi. Mình cũng như anh chị em làm việc nơi đây đều luôn động viên nhau cố gắng, cùng nỗ lực và dành tâm huyết, tình cảm nhiều hơn cho người bệnh, bởi họ cũng đang phải xa người thân, nhất là trong dịp tết Nguyên đán cổ truyền. Những tình cảm chân thành ấy đã khiến những người xa như gần lại, những niềm vui được nhân lên khi 2 bệnh nhân F0 và các F1, F2, F3 đã nhiều lần cho kết quả xét nghiệm âm tính; ngày càng thêm nhiều người được ra khỏi khu điều trị, cách ly. Bác sĩ Và bảo: “Những gian nan, vất vả và cả những nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực ấy chúng mình đã vượt qua. Ðó là động lực, là niềm tin để mỗi ngày qua chúng mình làm tốt hơn sứ mệnh chống dịch bệnh Covid-19 này”.

Giữa những ngày hết mình vì cộng đồng, nhất là trong dịp tết Nguyên đán vừa qua những người gắn cả cuộc đời với nghiệp áo blu cũng có những phút chạnh lòng nhớ những cái tết sum vầy bên gia đình hoặc tự tay nấu những món ăn giản dị đãi người thân. Nhưng vượt lên tất cả các y, bác sĩ đều luôn trách nhiệm, quyết tâm cao nhất đem sức mình góp sức đảm bảo sức khỏe, bình an cho mỗi người dân, mỗi gia đình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Cuộc chiến chống dịch có thể còn kéo dài, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Song hơn cả mọi lời tri ân, người dân Ðiện Biên luôn dõi theo khích lệ và đặt trọn tình cảm, niềm tin vào những người thầy thuốc - những chiến sĩ áo trắng quả cảm trên tuyến đầu chống dịch, xứng danh “Lương y như từ mẫu”!

MINH THÙY
Bình luận
Back To Top