Hàng chục nghìn thầy thuốc trên cả nước ứng trực trong những ngày nghỉ Tết

09:28 - Thứ Bảy, 10/02/2024 Lượt xem: 3658 In bài viết

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày chính thức bắt đầu từ 29 Tết. Cùng với đó, các bệnh viện với hàng chục nghìn thầy thuốc trên cả nước ứng trực để sẵn sàng thu dung, điều trị cho người bệnh đến khám, cấp cứu.

Sẵn sàng cấp cứu, điều trị tốt nhất cho người bệnh

Là bệnh viện hạng đặc biệt, Bạch Mai có hơn 1.000 bệnh nhân phải ở lại điều trị trong những ngày nghỉ Tết. Từ 29 Tết, tại Trung tâm Cấp cứu A9, Trung tâm Đột quỵ, Viện Tim mạch...đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào cấp cứu. Những ca phải đến viện trong ngày Tết hầu hết đều nặng.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để đảm bảo công tác ứng trực và cấp cứu người bệnh, bệnh viện xây dựng nhiều phương án, đặc biệt tình huống cấp cứu hàng loạt. Bệnh viện huy động 600 y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ứng trực trong 7 ngày Tết. Bệnh viện đáp ứng đầy đủ về nhân lực, thuốc, vật tư y tế trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt.

Những gian hàng 0 đồng tại Bệnh viện Bạch Mai phục vụ miễn phí 7 ngày Tết.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngày Tết cũng như ngày thường, công tác khám, cấp cứu vẫn diễn ra bình thường, người dân không phải lo lắng, đến viện sẽ được tiếp đón, thăm khám, điều trị nhiệt tình.

Đặc biệt, để giúp người bệnh vơi bớt khó khăn, nỗi nhớ nhà, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức "Gian hàng Tết 0 đồng" miễn phí trong suốt 7 ngày Tết. Trong ngày 30 Tết, nhiều người nhà bệnh nhân chăm sóc người thân ở bệnh viện đã đến các gian hàng 0 đồng mua sắm. Những thực phẩm bán ở hội chợ đều giúp các bệnh nhân sử dụng được ngay như: Sữa, bánh mì que Hải Phòng, phở ăn liền, mì cốc, xôi, bánh mứt kẹo, chăn ấm, mũ len, xà phòng, dầu gội...

"Chúng tôi thấy ấm lòng vì được quan tâm, được mua hàng miễn phí trong những ngày Tết", người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ chia sẻ.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến sáng 30 Tết, còn gần 1.200 bệnh nhi phải ở lại bệnh viện điều trị, trong đó có hàng trăm trường hợp phải thở máy, thở oxy. 

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị nội trú khoảng 2.000 trẻ, trong đó thường xuyên có 150 trẻ phải thở oxy, thở máy và cũng từng đó ca phẫu thuật diễn ra mỗi ngày. Dự kiến, trong 4 ngày Tết, bệnh viện và các nhà tài trợ sẽ phát suất ăn miễn phí cùng các nhu yếu phẩm cho toàn bộ bệnh nhi ở lại.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đến sáng 30 Tết vẫn có gần 1.200 bệnh nhi phải ở lại điều trị.

Trong những ngày nghỉ Tết, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức được coi là một trong những đơn vị y tế bận rộn nhất vì liên tiếp cấp cứu các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt vào nhập viện. Tết này, bệnh viện có hơn 400 bệnh nhân nặng phải ở lại điều trị.

Theo TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong những ngày Tết, ngoài các y bác sĩ được phân công trực, còn có các chuyên gia ứng trực để sẵn sàng hội chẩn trong tình huống cần thiết. Bên cạnh đó, bệnh viện chuẩn bị sẵn 2 kíp y bác sĩ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngoại viện khi xảy ra tai nạn, cấp cứu.

Là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, nên Bệnh viên Hữu nghị Việt Đức luôn tiếp nhận những trường hợp nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Vì vậy, bệnh viện phân công 312 nhân viên y tế trực cấp cứu, điều trị, riêng 1 tua trực ở khu vực cấp cứu có 35 y bác sĩ.

Các ca tai nạn vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), Tết này tại các khoa, phòng đều bố trí 1/3 y bác sĩ ứng trực. Bệnh viện có hơn 100 bệnh nhân nặng phải ở lại tới qua Tết. Khoa Cấp cứu liên tục bận rộn bởi các ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đột quỵ, tim mạch....vào cấp cứu. Điều đáng mừng là qua hai ngày nghỉ Tết, số ca cấp cứu tai nạn giao thông do rượu bia vào viện giảm mạnh. 

BSCKII Mạch Thọ Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị tai nạn giao thông do rượu bia vào nhập viện giảm hơn một nửa so với trước. Đặc biệt, các ca tai nạn giao thông nặng do rượu bia, trước hay gặp như chấn thương sọ não, thì nay cũng giảm mạnh.

Do bệnh nhân tai nạn giao thông vào cấp cứu giảm mạnh nên công tác ứng trực của các y bác sĩ ở đây bớt vất vả hơn so với trước. Theo BS Thái, việc ra quân xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn không những đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, đỡ vất vả cho ngành y tế, mà còn đỡ tốn kém cho nhà nước, giảm di chứng cho người bệnh sau tai nạn.

Người dân chủ động đi khám khi có bệnh, không nên kiêng ngày Tết 

Theo Bộ Y tế, để đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị cho người dân trong 7 ngày Tết Nguyên đán, Bộ đã có Chỉ thị gửi tới UBND các tỉnh, TP thực hiện ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế...

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong dịp Tết, Trung tâm thường tiếp nhận lượng bệnh nhân đông kỷ lục, trong đó có tỷ lệ lớn nhóm bệnh nhân để lỡ điều trị dịp Tết. Nhiều người ngại mấy ngày đầu năm không đến viện hoặc không chủ động thăm khám vì đường sá xa xôi, khiến bệnh trở nặng.

Bệnh nhân tai nạn giao thông vào cấp cứu tại Bệnh viện 19-8 ngày nghỉ Tết.

"Từ mùng 3 Tết, số bệnh nhân tăng dần và đỉnh điểm rơi vào mùng 5 Tết. Người nhập viện thường là bệnh nhân mang bệnh lý mạn tính chuyển thành cấp tính do lỡ thời điểm điều trị mấy ngày Tết", Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết.

Mỗi tua trực tại Trung tâm Cấp cứu A9 lên tới hàng trăm người, gồm đội ngũ cơ hữu của khoa đến đội tăng cường từ các khoa phòng khác, bác sĩ nội trú, sinh viên thực tập… gối đầu, hỗ trợ nhau; đồng thời triển khai "trực 4 cấp" trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần, trực an ninh trật tự, luôn đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh thông suốt. Vì vậy, người dân khi có bệnh, không nên ngại ngày Tết hoặc kiêng đến viện vào những ngày này mà bỏ lỡ cơ hội điều trị.

BS Tuấn khuyến cáo, thời tiết lạnh sâu như hiện nay, dễ gia tăng các bệnh viêm phổi, bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là ở người già. Để bảo vệ sức khỏe, ngoài việc tiêm phòng cúm, uống thuốc đều, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, các bệnh nhân vốn có bệnh lý mạn tính cần tránh tâm lý chủ quan khiến bệnh trở nặng, cộng thêm các yếu tố như thời tiết, bệnh lý, quên thuốc… sẽ dẫn tới tình trạng bệnh nguy hiểm hơn.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top