Video

Hiệu quả bước đầu cây cao su ở Tuần Giáo

Thứ Bảy, 22/08/2020 10:10 Lượt xem: 13648 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 10 năm thực hiện dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Tuần Giáo, đến nay một số diện tích cao su đã bắt đầu cho thu hoạch mủ. Điều đó không chỉ mở ra cơ hội cho lao động địa phương có thêm việc làm, mà còn đem lại nguồn thu nhập - quyền lợi chính đáng của người dân góp đất trồng cao su khi được chia lợi tức từ giá trị sản phẩm mủ cao su.

Những ngày đầu triển khai thực hiện trồng cây cao su ở xã Nà Sáy, gia đình chị Lò Bích Hồng, bản Nà Sáy 2, xã Nà Sáy đã đồng thuận và góp gần 3ha đất trồng cây cao su. Sau nhiều năm chờ đợi, năm 2019, gia đình chị Hồng bắt đầu nhận được tiền chia lợi tức từ những sản phẩm mủ cao su đầu tiên. Với diện tích khoảng 6.000m2 được khai thác, gia đình chị nhận được hơn 2 triệu đồng. Số tiền dù chưa nhiều nhưng bước đầu đem lại nguồn thu từ việc tham gia trồng, chăm sóc và hưởng lợi tức từ góp đất trồng cao su của gia đình.

Là một trong những địa phương đầu tiên đưa cây cao su vào trồng, xã Nà Sáy có diện tích cao su cho thu hoạch mủ lớn nhất của huyện Tuần Giáo tính tới thời điểm hiện tại. Với diện tích trên 630ha nhưng đã có gần 400ha bắt đầu cho thu hoạch mủ. Từ ngày cây cao su cho khai thác mủ, ngoài những gia đình góp đất được chia lợi tức còn có nhiều lao động địa phương được nhận vào làm công nhân cao su. Có việc làm ngay tại địa phương, tăng thêm thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn định nên nhiều người dân trên địa bàn xã đã đăng ký học nghề để trở thành công nhân khai thác mủ cao su.

Hiện nay, huyện Tuần Giáo có gần 2.000 hộ đăng ký tham gia góp đất trồng cao su với diện tích khoảng 1.700ha thuộc các xã: Nà Sáy, Mường Mùn, Mường Thín và Mùn Chung. Hơn 10 năm kể từ khi bén rễ trên mảnh đất này, cây cao su không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà còn mang lại nguồn thu nhập cho hàng trăm nhân công lao động tại chỗ và người dân góp đất. Theo hợp đồng ký kết ban đầu với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, các hộ dân góp đất sẽ được hưởng 10% tiền bán sản phẩm thu hoạch. Tuy nhiên, do biến động của thị trường giá thu mua mủ cao su giảm mạnh, sản lượng mủ những năm đầu còn thấp, một số hộ chưa hoàn thiện việc ký kết hợp đồng đã ảnh hưởng tới tiến độ chi trả lợi tức cũng như thu nhập của người dân. Mặc dù gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhưng việc chia lợi tức cho các hộ góp đất đã được chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Nông trường Cao su Tuần Giáo, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên để việc chi trả tiền phân chia bán sản phẩm thu hoạch được thực hiện đầy đủ, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cây cao su không chỉ được trồng ở huyện Tuần Giáo mà còn được triển khai thực hiện tại một số huyện, như: Mường Chà, Mường Nhé và Điện Biên. Đến nay, nhiều diện tích cao su đã đủ tiêu chuẩn khai thác mủ kinh doanh. Khi cây cao su cho mủ cũng là thời điểm người dân góp đất trồng cao su được chia lợi tức theo giá trị sản phẩm mủ cao su. Hiện nay, một số địa phương vẫn vướng mắc trong ký kết hợp đồng góp đất nên việc chia lợi tức gặp khó khăn. Song với huyện Tuần Giáo, cây cao su đã bước đầu mang lại tín hiệu đáng mừng với việc tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương và các hộ dân góp đất trồng cao su.

Quang Hưng

Back To Top