Video

Diện mạo nông thôn mới Điện Biên

Thứ Ba, 01/09/2020 08:34 Lượt xem: 13550 In bài viết

ĐBP - Tròn một tháng sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng không khí thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất của các tổ chức, đoàn thể và người dân trên địa bàn xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) vẫn diễn ra sôi nổi. Những ngày này, trở lại xã Sam Mứn, con đường bê tông đến các bản rực rỡ sắc hoa như một bức tranh xuân đầy sức sống. Đây là tuyến đường hoa do các hội viên phụ nữ và người dân bản Cà Phê chăm sóc, vun trồng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn; qua đó cũng thể hiện ý thức của mỗi người trong giữ gìn vệ sinh môi trường xây dựng NTM.

Sau gần 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay những tuyến đường thôn bản, liên xã được đổ bê tông kiên cố; các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang… tạo nên bức tranh NTM mới ở Sam Mứn. Phong trào xây dựng NTM có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia góp công, góp sức. Khi mới triển khai xây dựng NTM, cũng như nhiều xã khác, Sam Mứn lựa chọn tiêu chí dễ thực hiện làm trước, khó làm sau; đặc biệt, tiêu chí nào khó đạt được, chính quyền địa phương vận động người dân hưởng ứng, chung tay góp sức.

Nhân dân trong xã thi đua thực hiện hiệu quả các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt được tiêu chí về nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 33 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm chỉ còn trên 10%. Khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên tạo động lực, sức bật để thay đổi toàn diện các lĩnh vực và đời sống xã hội. Công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Kết quả sau gần 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, cuối tháng 7 vừa qua xã Sam Mứn đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) là địa phương có xuất phát điểm thấp, với nền kinh tế nông nghiệp quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân còn nhiều hạn chế. Nhưng giờ đây, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã đã xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết, như: Trồng 2ha bưởi da xanh và nhãn chín muộn từ năm 2016 và trồng xoài Đài Loan với diện tích hơn 15ha…

Ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, kết cấu hạ tầng trong xã cũng được đầu tư khá đồng bộ. Đến Quài Nưa hôm nay, đường giao thông liên thôn, bản đều đã được đầu tư bê tông kiên cố, rộng rãi. Bản làng sầm uất, nhà cửa được xây dựng khang trang, sạch đẹp; các công trình điện lưới quốc gia, nước sạch, trạm y tế, trường học đều được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu nhân dân. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực... Đó là những kết quả nổi bật xã Quài Nưa đạt được sau 10 năm triển khai và huy động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Bên cạnh sự đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước, để thực hiện các tiêu chí NTM, các xã: Sam Mứn (huyện Điện Biên), Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) và các địa phương khác trong tỉnh đều huy động được sự tham gia đóng góp, chung sức không nhỏ của người dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng đắn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, tạo sự đồng thuận của toàn dân trong xây dựng NTM. Điển hình như huyện Tuần Giáo, người dân ở các xã, bản đã được tham gia vào quy hoạch chung, tự nguyện hiến khoảng 1ha đất và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa trên địa bàn.

Là một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, song giờ đây, đến các vùng nông thôn Điện Biên hôm nay đã có nhiều đổi khác, đặc biệt là về kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm... Năm 2019, toàn tỉnh có 48 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (tăng 19 xã so với năm 2018); 62 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (tăng 22 xã so với năm 2018); 59 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học (tăng 10 xã so với năm 2018); 56 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; 94 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại… Số hộ nghèo ở khu vực nông thôn đến hết năm 2019 còn 42.512 hộ (chiếm 39,43%). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 18,5 triệu đồng/năm, tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2018. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo với 84/116 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống còn 29,9%; duy trì tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân, tỷ lệ người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 96,8%...

Những kết quả nêu trên với các tỉnh, thành khác có thể chưa phải là kết quả vượt bậc, song với một địa phương còn nhiều khó khăn như Điện Biên thì đó là kết quả rất đáng tự hào. Để đạt được mục tiêu trong xây dựng NTM, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo; đặc biệt ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện, xã, vùng đặc biệt khó khăn, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư vùng biên giới. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các dân tộc thiểu số, người nghèo; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... được quan tâm nên đời sống của người dân nông thôn đã nâng lên rõ rệt.

Từ một bãi chiến trường bị bom đạn cày xới và ngổn ngang chiến tích, nay Điện Biên đã vươn mình mạnh mẽ với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại; cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng giá trị sản phẩm. Đời sống tinh thần của người dân được quan tâm, bảo tồn và phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến Điện Biên hôm nay sẽ cảm nhận rõ hơn sức sống, sự vươn lên của mảnh đất lịch sử, đặc biệt là những đổi thay, diện mạo mới ở các bản làng nông thôn mới.

Phạm Quang – Phương Liên

Back To Top