Video

Lan tỏa ý chí thoát nghèo

Thứ Hai, 21/03/2022 10:45 Lượt xem: 6916 In bài viết

ĐBP - Chưa hẳn đã có cuộc sống sung túc, khấm khá nhưng thời gian qua không ít hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Đó là hành động mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, bởi họ muốn nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những người khó khăn hơn. Và cũng chính lòng tự trọng, ý chí tự lực vươn lên của họ đã góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Căn nhà đơn sơ, vách nứa và cũng khá tuềnh toàng này của gia đình chị Lò Thị Thủy, thôn Thanh Bình - Co Rốm, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Mặc dù cuộc sống còn khá khó khăn, song vừa qua vợ chồng chị Thủy đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương để nhường chế độ, chính sách ưu tiên cho hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Với suy nghĩ “có sức khỏe là có tất cả”, chị Thủy không ngại khó, ngại khổ để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Theo suy nghĩ của chị, thời gian tới, với đàn trâu và những con gia súc này, vợ chồng chị sẽ vươn lên thoát nghèo, xứng đáng với sự tin tưởng của chính quyền địa phương cũng như bà con dân bản đã gửi gắm.

Sau thời gian làm việc trên nương cao su, bà Giàng Thị Lầu, bản Xá Nhù, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên lại tranh thủ chăm sóc ao cá của gia đình. Bà Lầu có 3 người con; trong đó 2 người con lớn đã học xong đại học và còn cậu út đang học chuyên nghiệp. Chăm sóc, nuôi dạy cả 3 người con ăn học nên người với bà Lầu là quá trình vô cùng vất vả và tốn kém. Thế nhưng mới đây, gia đình bà Lầu đã tự nguyện xin thoát nghèo dẫu kinh tế gia đình còn rất khó khăn khi cả nhà chủ yếu dựa vào thu nhập từ làm nương và đồng lương công nhân cao su. Tuy nhiên, trong suy nghĩ, bà Lầu cho rằng cuộc sống của mình như vậy vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác nên gia đình bà tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả nhưng Trưởng bản Lý A Dính và 2 người chú Lý A Phổng và Lý A Hờ, cùng ở bản Huổi Ho, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã cùng nhau viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho các gia đình khác. Sự lan tỏa tích cực về tinh thần trách nhiệm trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương đã được cả 3 gia đình có mối quan hệ ruột thịt này tạo ra khi cùng nhau xin thoát nghèo.

Có thể khẳng định, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo, cận nghèo thông qua nhiều chương trình, chính sách; tạo đòn bẩy, động lực giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Cũng vì được Nhà nước ưu tiên rất nhiều quyền lợi và chính sách ưu đãi nên trước đây, nhiều hộ dân đều muốn điền tên gia đình mình vào danh sách hộ nghèo của địa phương. Thế nhưng hiện nay, nhờ các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền mà người nghèo, cận nghèo đã nâng cao nhận thức, ý chí trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Điển hình là việc nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh đã mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh có hơn 80 hộ nghèo viết đơn xin thoát nghèo thuộc các huyện: Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ. Con số ấy đã minh chứng rằng, nhiều người nghèo đã thay đổi nhận thức và không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Hành động đó cũng đã lan tỏa thông điệp tích cực để các hộ nghèo vươn lên, nỗ lực lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo bền vững.

Cùng với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương, việc nhiều hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã phần nào khẳng định tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong một bộ phận nhân dân đã được hạn chế hơn, bởi ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống của họ. Và những lá đơn xin thoát nghèo chính là một “luồng gió” lan tỏa rộng rãi tinh thần, ý chí vươn lên của người nghèo. Đó cũng là niềm tin về sự thắng lợi của công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Phạm Quang

Back To Top