Pháp luậtAn ninh, trật tự

Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình

09:47 - Thứ Sáu, 17/11/2023 Lượt xem: 3507 In bài viết

ĐBP - Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 quy định nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được TGPL. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, nhiều phụ nữ có việc làm, có thu nhập để nuôi bản thân và gia đình, có những vị trí cao trong xã hội nên dần dần họ ít bị lệ thuộc vào nam giới. Nhưng như thế không hẳn là không còn tình trạng bạo lực gia đình. Hành vi bạo lực gia đình không còn gói gọn trong việc đánh đập về thể xác, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà còn bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế hay bạo lực về tình dục.

Ðiều đáng quan tâm là, vẫn còn nhiều người, trong đó có phụ nữ, trẻ em gái và người thân của họ vẫn chưa quan tâm, chưa hiểu biết về pháp luật và quyền TGPL hoặc còn e ngại khi tiếp cận với cơ quan, tổ chức có liên quan, kể cả tổ chức và người thực hiện TGPL. “Nhiều người thuộc diện được TGPL, nhất là phụ nữ, nạn nhân bạo lực gia đình thường muốn giấu kín vụ việc hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra. Họ thường chỉ yêu cầu giúp đỡ khi sự việc đã trở nên trầm trọng hoặc bị phát hiện” - bà Lê Thúy An, Trợ giúp viên Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh chia sẻ.

Bà Lê Thị Diệu, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thăm, động viên và TGPL cho người cần được trợ giúp tại phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: C.T.V

Bên cạnh đó, vẫn còn một số người không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông; một số người khuyết tật không dễ dàng vượt qua mặc cảm để thể hiện ý muốn của mình… Do vậy, rất khó cho các cơ quan, tổ chức hữu quan có thể sớm phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp; khó cho những người thực hiện TGPL tiếp cận và thực hiện vụ việc.

Bà Lê Thị Diệu, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: Từ năm 2018 đến hết tháng 9/2023, Trung tâm đã thực hiện trên 5.000 vụ việc, trong đó nhiều người là nạn nhân bị bạo lực gia đình. Các vụ việc TGPL cho nạn nhân bạo lực gia đình (chủ yếu là phụ nữ) được thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật. Ðể nâng cao hiệu quả TGPL cho trẻ em và nạn nhân bạo lực gia đình, Trung tâm TGPL tăng cường công tác thông tin và truyền thông về TGPL để các đối tượng có thể chủ động yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết, đặc biệt khi nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Xây dựng nhiều phóng sự, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ việc TGPL cho trẻ em, nạn nhân bị bạo lực gia đình. Qua đó giúp người dân, trong đó có nạn nhân chịu bạo lực gia đình và trẻ em hiểu về quyền được TGPL, kịp thời tiếp cận dịch vụ TGPL (miễn phí) của Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Ngày 2/11 vừa qua, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo “Ðịnh hướng xác định rào cản trong tiếp cận TGPL trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên” với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; lãnh đạo Cục TGPL; trợ giúp viên pháp lý, luật sư và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh. Tại diễn đàn này đã tập trung thảo luận về vấn đề thực tiễn thực hiện TGPL cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; người thuộc hộ nghèo và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; thuận lợi, khó khăn của người dân khi tiếp cận dịch vụ TGPL; trách nhiệm phối hợp, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL của chính quyền cơ sở... Tỉnh Ðiện Biên và tỉnh Yên Bái là 2 địa phương trên toàn quốc thực hiện công tác này. Ðiều này cho thấy, công tác TGPL và đặc biệt là TGPL cho nạn nhân bị bạo lực gia đình được tỉnh rất quan tâm nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận pháp lý và bình đẳng pháp luật.

Ðể công tác TGPL được thực hiện kịp thời và toàn diện, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan “phản ứng nhanh” về các vụ việc bạo lực gia đình. Sự phối hợp giữa các tổ chức TGPL với các cơ quan liên quan để phát hiện và TGPL kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình là rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền TGPL. Các tổ chức thực hiện TGPL cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo… để chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan người được TGPL là phụ nữ, trẻ em gái. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL và chất lượng dịch vụ TGPL. Ðổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Trong đó đặc biệt chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù và thực hiện TGPL trên từng lĩnh vực cụ thể. Nâng cao trách nhiệm của luật sư với tư cách là người bảo vệ công lý khi tham gia TGPL, bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng khi thực hiện TGPL cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top