Bài dự thi Giải "Búa liềm vàng" lần thứ hai, năm 2017

Một dự án trao niềm tin tuổi trẻ (Bài 1)

17:03 - Thứ Ba, 24/10/2017 Lượt xem: 8061 In bài viết

ĐBP - Được triển khai giữa năm 2012 với mục tiêu tăng cường nguồn nhân lực cho cấp ủy, chính quyền cơ sở các huyện nghèo thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững...; Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã (gọi tắt là Dự án 600 trí thức trẻ) tại tỉnh Điện Biên đã thành công tốt đẹp. Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, 32 đội viên dự án đã được trao một niềm tin, một hi vọng lớn để thử thách và cống hiến. Đồng thời, bằng hành động của mình, họ cũng đã mang đến “luồng gió mới” trong tác phong, cung cách, tư duy làm việc ở cơ sở... Dự án thí điểm đã kết thúc, chặng đường tiếp theo của mỗi đội viên là khác nhau; song hi vọng, sự tin tưởng, gửi trao cơ hội rèn luyện, cống hiến cho tuổi trẻ sẽ còn được thắp mãi!

Bài 1: Nỗ lực gửi trao và cống hiến

Đây là từ ngắn gọn nhất mà chúng tôi muốn nói về việc triển khai Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện tại tỉnh Điện Biên 5 năm qua (2012 - 2017). Bằng trách nhiệm cao với công việc, niềm tin mạnh mẽ vào năng lực, tinh thần cống hiến hết mình của tuổi trẻ; cả cấp ủy, chính quyền, sở, ngành liên quan và các đội viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... 

 

Đội viên Bạc Cầm Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Na Son, huyện Điện Biên Đông trao đổi kiến thức về cây đỗ tương với người dân trên địa bàn.

Nỗ lực gửi trao

Ngay sau khi có chủ trương về việc triển khai Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cấp ủy, chính quyền, CBCC và nhân dân trên địa bàn. Công tác khảo sát tình hình cán bộ ở cơ sở, xác định nhu cầu tăng cường tại 4 huyện nghèo: Mường Ảng, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé cũng đồng thời được quan tâm. Việc tổ chức xét duyệt đội viên được triển khai chặt chẽ, với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, ở cả 2 cấp (huyện, tỉnh). Trong 76 hồ sơ dự tuyển cả 2 đợt, có 32 đội viên trúng tuyển Dự án.

Song đây chỉ là bước đầu hành trình Dự án, với đội viên và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở còn một chặng đường dài cùng nhiều khó khăn thách thức mang đặc thù của một dự án thí điểm và cả điều kiện thực tế địa phương. Bằng sự tin tưởng vào năng lực, tâm huyết của tuổi trẻ, các cấp, các ngành đã có những hành động cụ thể trao cơ hội khẳng định mình cho những trí thức trẻ. 32 đội viên đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; đi thực tế tại cơ sở 5 tuần; sau đó xây dựng đề án phát triển KT - XH phù hợp với địa phương nơi về thực tế. Với 32/32 đề án được Hội đồng đánh giá của Bộ Nội vụ đánh giá tốt (4 đề án đạt loại giỏi); căn cứ vào chuyên môn đào tạo của đội viên, nhu cầu nhân lực cơ sở; 16 đội viên được phân công về nhận nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực kinh tế, 10 đội viên phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, 5 đội viên phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp, 1 đội viên phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội và nông, lâm nghiệp với sự đồng thuận, tín nhiệm cao của cơ sở.

Tại các huyện, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đội viên đều được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm, tạo điều kiện bố trí phương tiện, điều kiện làm việc tương đối đầy đủ. Để nâng cao trình độ lý luận, kiến thức chuyên môn cho đội viên, trong 5 năm triển khai dự án có 8 đội viên được cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc theo chương trình của Bộ Nội vụ, 1 đội viên được đi học quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, 11 đội viên đã hoàn thành chương trình trung cấp lý luận chính trị; 3 đội viên học xong cao cấp lý luận chính trị... Bên cạnh nắm thông tin từ UBND, phòng nội vụ cấp huyện; Sở Nội vụ còn lựa chọn tại mỗi huyện 1 đội viên làm đầu mối để nắm tình hình mọi mặt. 5 năm qua, tổng kinh phí giải ngân cho dự án là trên 16,6 tỷ đồng; đảm bảo đúng, đủ, kịp thời quyền lợi, để đội viên yên tâm công tác...

Đội viên Nguyễn Văn Quân, quê ở Hà Tây chia sẻ: Không phải là người địa phương nên mặc dù nộp hồ sơ, song tôi cũng không dám hi vọng nhiều, vì nghĩ có thể hội đồng sẽ ưu tiên người địa phương trước. Khi trúng tuyển rồi, tôi cũng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ; song được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong mọi bước đi; sự hợp tác, hỗ trợ của CBCC, nhân dân địa bàn công tác, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thành quả từ những khát khao cống hiến

Sau 5 năm triển khai dự án, với sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Nội vụ; chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, có thể nói Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện đã thành công tốt đẹp. Bằng sức trẻ, khả năng học hỏi và vận dụng kiến thức, kỹ năng sáng tạo, nhanh nhẹn; các đội viên đã mang đến một “luồng gió mới”, ảnh hưởng tích cực đến tác phong làm việc của cán bộ địa phương. Chủ động, tích cực trong tham mưu; nhiệt tình trách nhiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ; sử dụng thành thạo trang thiết bị hiện đại... nhiều đội viên đã không chỉ hoàn thành tốt phần việc của mình mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các đồng nghiệp; góp phần tạo ra một tác phong làm việc năng động nơi công sở. Nhiều phó chủ tịch UBND xã không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực hết mình vừa làm việc với cơ sở, học từ cơ sở, phối hợp đoàn kết tích cực với cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ đã để lại dấu ấn bằng nhiều mô hình, sáng kiến cụ thể, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở địa phương.

Nông, lâm nghiệp là mảng có nhiều sáng kiến được đánh giá đạt hiệu quả cao; góp phần thiết thực vào xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó phải kể đến các sáng kiến, mô hình điển hình, như: Thay đổi phương thức canh tác trên đất dốc bằng tạo ruộng bậc thang cho người dân xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng; vận động làm lúa nước vụ đông xuân bằng phương pháp che phủ mạ bằng lilon tại bản Háng Lìa A, B (huyện Điện Biên Đông); đề suất sáng kiến làm 2 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cho nông dân Nậm Chà Nọi, Huổi Quang; xây dựng khu xử lý rác thải (tại huyện Mường Nhé)... Ghi dấu ấn qua các mô hình, sáng kiến này là các phó chủ tịch UBND xã: Lò Văn Sơn, Hoàng Thị Bích, Bạc Cầm Nga, Bạch Thị Yến Ly, Lò Thị Niên, Giàng A Sử...

Không được đánh giá bằng con số cụ thể như những sáng kiến, mô hình về kinh tế; các đội viên nhận nhiệm vụ tham mưu, triển khai các phần việc mảng văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng được ghi nhận bằng những chuyển biến trong ý thức người dân. Các phó chủ tịch xã: Lò Văn Quân, Tòng Văn Siến, Hạ A Chư, Nguyễn Văn Quân, Lò Văn Lún... đã nỗ lực tham mưu, phối hợp tuyên truyền hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Tại nhiều địa bàn công tác, nhờ nỗ lực tuyên truyền vận động thuyết phục của đội viên, việc đưa con em trong độ tuổi đến trường, tham gia và sử dụng hiệu quả thẻ BHYT; thực hiện vệ sinh môi trường; xây dựng gia đình không bạo lực... mang lại hiệu quả rõ nét.

Có thể nói, 5 năm là khoảng thời gian chưa dài để có thể đánh giá được trọn vẹn đóng góp của từng đội viên, trong từng phần việc cụ thể. Song đó chắc chắn đã là khoảng thời gian ghi nhiều dấu ấn với cuộc đời mỗi đội viên; bởi nó là bước đi độc lập đầu tiên với hành trang cơ bản mới chỉ là tri thức, sức trẻ và tinh thần cống hiến. Nó cũng là quãng đường đặc biệt bởi được cấp ủy, chính quyền trao cho niềm tin, niềm vinh dự, song cũng kèm trách nhiệm nặng nề. Đến nay, khi kết thúc dự án, cùng với những dấu ấn được cấp ủy, chính  quyền và nhân dân các xã nghèo ghi nhận; 30 trí thức trẻ (1 đội viên mất, 1 xin dừng dự án) cũng được UBND tỉnh đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ 2 đảng viên đầu tiên, đến nay 24/30 đội viên đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng; 2 đội viên được bồi dưỡng nhận thức về Đảng, 4 đội viên trong quá trình theo dõi, giúp đỡ...

Hoàn thành dự án với những ghi nhận của cả hệ thống chính trị, bản thân mỗi đội viên cũng trưởng thành hơn; dẫu còn đôi chút băn khoăn vào thời điểm chuẩn bị kết thúc dự án: Không biết sau này sẽ về công tác ở đâu, làm công việc gì, liệu có còn được tiếp tục cống hiến, rèn luyện nữa hay không?... Song điểm chung nhất trong nguyện vọng của đội viên mà chúng tôi ghi nhận được, đó là: Chỉ cần được tiếp tục làm việc, thì dù là công việc gì, chức vụ ra sao họ cũng luôn sẵn sàng tiếp nhận. Những trí thức trẻ tình nguyện ngày nào, sau 5 năm vẫn vẹn nguyên trong mình tinh thần sẵn sàng rèn luyện và cống hiến dẫu có gian khổ hơn, khó khăn hơn...

Bài 2: Để niềm tin thắp mãi!

Bài, ảnh: Hải Yến - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top