Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường

09:16 - Thứ Tư, 31/10/2018 Lượt xem: 9594 In bài viết

ĐBP - Ngày 29 - 30/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Ðồng thời, nghe báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan.

Trong quá trình thảo luận, đã có 44 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận, tập trung vào một số nội dung: Những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong thực hiện dự toán NSNN năm 2018; kết quả thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu; thu từ các khu vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu; chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; chi ngân sách cho lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; chuyển dịch cơ cấu chi NSNN; nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nợ Chính phủ; công tác quản lý, điều hành thực hiện NSNN năm 2018. Ðánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn về khả năng cân đối nguồn vốn; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; việc giao, giải ngân vốn đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và dự án sử dụng vốn ODA. Ðánh giá giữa kỳ và giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm về cân đối NSNN trong trung hạn và dài hạn... các vấn đề dự toán thu, chi NSNN năm 2019, bội chi và nợ công; nguyên tắc và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và các giải pháp bảo đảm thực hiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Ðiện Biên đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về nguyên tắc thứ tự ưu tiên phân bổ NSNN năm 2019. Qua báo cáo kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2016 - 2018 trình tại kỳ họp. Bên cạnh những kết quả đạt được, thì còn có một số tồn tại, hạn chế, một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực nên phải kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch. Chương trình, chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý nguồn lực chưa đáp ứng, mới chỉ đạt 56%. Một số chính sách đã ban hành từ năm 2016 nhưng vẫn chưa được cân đối, bố trí để thực hiện, như chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 (Quyết định 2085/QÐ-TTg); Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 (Quyết định 2085/QÐ-TTg).

Một số tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên trước đây đưa vào nhóm dự án tạm dừng, giãn tiến độ sau năm 2015 theo Nghị quyết 11/NQ-CP nhưng đến nay chưa bố trí vốn đầu tư, trong khi đó tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách; sau 5 năm thành lập đến nay huyện Nậm Pồ chưa có bệnh viện đa khoa, dự án này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Nhưng thiếu nguồn vốn để khởi công xây dựng. Trong khi nhu cầu của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi mong mỏi sớm có nơi khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe được thuận lợi hơn, bớt những khó khăn khi ốm đau, nơi vốn là địa bàn giao thông đi lại khó khăn xa trung tâm của tỉnh. Từ những thực tế trên, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi. Ðại biểu Trần Thị Dung đề nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ một số nội dung: Cân đối, phân bổ ngân sách, cần quan tâm bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi; rà soát, tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, nguồn lực đảm bảo thực hiện chính sách, hàng năm giao ngân sách kịp thời để triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, chính sách. Bổ sung Dự án Nâng cấp, cải tạo quốc lộ 279 đoạn Ðiện Biên - Tây Trang vào danh mục dự án được sử dụng nguồn vốn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Trung ương hỗ trợ thêm ngoài hạn mức phân bổ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với dự án xây dựng Bệnh viện Ða khoa huyện Nậm Pồ.

T.K - Hồ Nam
Bình luận
Back To Top