Cầu nối giữa Đảng với dân ở Nậm Pồ

07:11 - Thứ Sáu, 19/08/2022 Lượt xem: 3128 In bài viết

ĐBP - Tháng 12/2021, Huyện ủy Nậm Pồ ban hành Quyết định số 765-QĐ/HU về việc thành lập 121 “tổ dân vận cơ sở” trên địa bàn huyện, đến nay sau một thời gian đi vào hoạt động, các tổ đã đạt được những kết quả bước đầu, khẳng định rõ nét hiệu quả hoạt động từ mô hình này.

Tổ dân vận cơ sở huyện Nậm Pồ tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân xã Nà Bủng tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Là huyện còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh, địa hình rộng, chia cắt, giao thông đi lại không thuận lợi nên việc cán bộ, đảng viên đến với người dân chưa thường xuyên dẫn đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đôi khi còn chậm. Cùng với đó, việc tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị và giải quyết những vướng mắc từ cơ sở có lúc chưa kịp thời tạo nên những bức xúc, thậm chí có nguy cơ hình thành điểm nóng trong nhân dân. Từ thực tế trên Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất và quyết định thành lập 121 tổ dân vận cơ sở tại 15 xã để đưa cán bộ và chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ huyện đến gần hơn với nhân dân. Đây là mô hình mới của huyện Nậm Pồ trong công tác dân vận, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương. Đặc biệt có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với 5 xã biên giới giáp Lào.

Nhiệm vụ của tổ dân vận cơ sở bao gồm: Tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, nắm tình hình chung của các bản; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của huyện phổ biến, tuyên truyền một số chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo định hướng từng thời điểm, tuyên truyền về giải phóng mặt bằng; phòng, chống dịch bệnh, vận động tiêm vắc xin Covid-19; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; luật giao thông đường bộ; hộ tịch; hộ khẩu; lao động, việc làm; phát động người dân ở các bản triển khai một số mô hình sản xuất, canh tác như mô hình trồng mắc ca, dứa, lạc, khoai sọ, cây sa nhân, cây sả tăng thu nhập và nâng cao đời sống, trách nhiệm bảo vệ rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, của hộ gia đình, cá nhân; về công tác phòng cháy chữa cháy và quản lý sản xuất trên nương, trách nhiệm của chủ hộ gia đình sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng, chính sách của người tham gia chữa cháy rừng, các thủ tục xin quy hoạch vùng sản xuất trên nương; về thủ tục khai thác, hồ sơ lâm sản trong lưu thông; các hành vi bị cấm và mức xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nhằm giúp cho người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng làm nương, khai thác rừng trái phép.

Với trung bình 7 thành viên, mỗi tổ có những cách làm cụ thể đối với bản do mình phụ trách để đảm bảo vừa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vừa kêu gọi ủng hộ, đóng góp, vận động người dân cùng chung tay xây dựng bản làng xanh, sạch, đẹp, từng bước giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự và các vấn đề về văn hóa - xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng. 121 tổ dân vận thường xuyên sinh hoạt trực tiếp tại các bản trên địa bàn huyện, mỗi thành viên là lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thuộc các chi bộ trực thuộc huyện. Trong đó, tổ trưởng là trưởng, phó các cơ quan, phòng ban, ngành đoàn thể, lực lượng vũ trang. Hàng tháng, các thành viên phải luân phiên xuống cơ sở ít nhất 2 lần để kịp thời nắm bắt những vấn đề nảy sinh, cùng tham gia bám nắm cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những bức xúc, nhu cầu chính đáng của nhân dân. Đến nay, hoạt động của các tổ dân vận cơ sở đã từng bước đi vào nền nếp đem lại lòng tin của người dân, tạo sự gắn kết mối quan hệ giữa người dân và cấp ủy, chính quyền huyện. Các nội dung tuyên truyền theo định hướng, kế hoạch của Đảng bộ huyện sẽ được 121 các thành viên tổ dân vận vào cuộc tuyên truyền kịp thời, đồng loạt, có trọng tâm, trọng điểm đến nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn cho biết: Xã có hơn 6km đường biên giới tiếp giáp với Lào; tình trạng vượt biên trái phép đi lao động, mua bán chất ma túy, truyền đạo trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Để khắc phục tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã cùng với mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã phối hợp với tổ dân vận cơ sở của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, không nghe theo lời kẻ xấu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao. Đồng thời, thành lập các tổ, hộ gia đình tự quản khu vực biên giới, nhờ đó tình hình xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới được đẩy lùi. Thông qua hoạt động phối hợp với tổ dân vận cơ sở, Đảng ủy xã kịp thời nắm bắt tư tưởng, đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã đề ra các giải pháp giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh tại các bản, ngoài ra còn phát hiện và nhân rộng những tấm gương điển hình, những mô hình phát triển kinh tế, đồng thời định hướng cho bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, xây dựng những mô hình điểm nhằm phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn xã. Với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của 121 tổ dân vận cơ sở cầu nối ngắn nhất giữa Đảng với dân, huyện Nậm Pồ sẽ đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đưa huyện vùng cao chuyển mình nhanh chóng trên con đường phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Trung (Huyện Nậm Pồ)
Bình luận

Tin khác

Back To Top