Xây dựng chính quyền vững mạnh

07:28 - Thứ Sáu, 19/08/2022 Lượt xem: 4187 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, nhất là các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); nêu cao vai trò người đứng đầu; đối thoại, giải quyết thấu đáo tâm tư, nguyện vọng công dân.

Công dân trình bày nguyện vọng tại trụ sở tiếp công dân UBND tỉnh.

Với phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, năm 2019 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên” để các cơ quan chức năng có cơ sở tổ chức thực hiện CCHC. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) đang có hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.775 thủ tục; trong đó: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 1.410 thủ tục, UBND cấp huyện 301 thủ tục, UBND cấp xã 159 thủ tục. Đến nay, thời gian cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới (kể cả đăng ký thuế) giảm còn trung bình 2,47 ngày, thời gian cấp đăng ký thay đổi là 1,9 ngày; cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan trung bình là 17 ngày; cấp phép quy hoạch là 27 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất 15 ngày.

Thời gian qua, UBND các cấp thực hiện tốt các mô hình: “Chính quyền thân thiện của dân, do dân”, “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Một cửa thân thiện”. Với phương châm “Công khai, minh bạch, chính xác, hiệu quả”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ các sở, ngành và chính quyền các cấp đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong đó, thái độ làm việc của cán bộ, viên chức tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ có nhiều thay đổi tích cực: Công chức mặc đồng phục phù hợp; cởi mở, nhã nhặn, luôn lắng nghe, sẵn sàng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là nơi tiếp công dân tương đối khang trang, thoáng rộng; có các thiết bị, công cụ hỗ trợ, giúp người dân thuận lợi trong thực hiện các TTHC...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những kết quả tích cực nêu trên. Trước hết là công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức về lí luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.034 công chức trong biên chế; 19.280 viên chức. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức chủ động, tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và đã áp dụng kiến thức được đào tạo, bồi dưỡng phục vụ tốt hơn cho vị trí việc làm đảm nhận. Cùng với đó những năm gần đây, tỉnh ta chú trọng nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Ở nội dung này, các cấp chính quyền tập trung thực hiện tiêu chí hiện đại hóa nền hành chính công. Đến nay, 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (593 thủ tục mức độ 4, 126 thủ tục mức độ 3), tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc, tăng tính công khai, minh bạch. Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, tổng số hồ sơ tiếp nhận từ 15/12/2021 - 10/6/2022 toàn tỉnh là 81.691 hồ sơ; trong đó 79.708 hồ sơ đã được xử lý. Số cơ quan, đơn vị phát sinh hồ sơ xử lý qua Cổng dịch vụ công có: 16/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 129/129 đơn vị cấp xã. Bên cạnh việc giải quyết TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến thì việc nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính cũng đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 832 TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.

Một giải pháp quan trọng khác để xây dựng chính quyền vững mạnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành triển khai là nâng cao chất lượng công tác đối thoại với công dân. Thông qua đối thoại, những bức xúc, vướng mắc của nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội. Để hoạt động đối thoại đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thực chất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo việc thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, từ Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đến người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Qua đó tiếp nhận hàng nghìn lượt ý kiến của công dân để chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận

Tin khác

Back To Top