Đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về sự thiếu đồng bộ, mâu thuẫn văn bản pháp luật

12:10 - Thứ Ba, 15/08/2023 Lượt xem: 3543 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (15/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp. Phiên làm việc được kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Quàng Thị Nguyệt chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là phiên chất vấn thứ tư được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cân nhắc những lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua, việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn tại phiên họp này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đây đều là những vấn đề rất cấp thiết, được cử tri, Nhân dân và ĐBQH rất quan tâm. Phiên chất vấn sẽ là dịp để nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc. Qua đó, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng các công tác liên quan.

Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về giải pháp cho tình trạng các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, mâu thuẫn. Theo đại biểu Nguyệt, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước được ban hành tương đối đầy đủ, bao phủ tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, mâu thuẫn lẫn nhau, trở thành rào cản sự phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung này đã được các địa phương, ĐBQH, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kiến nghị phản ánh rất nhiều. Nay được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao các địa phương, đơn vị rà soát theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023, kỳ họp 5 của Quốc hội khóa 15 làm cơ sở để đề xuất xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập… Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp để tháo gỡ những việc đã rồi. Vậy, trong công tác thẩm định thời gian tới, Bộ Tư pháp có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long đã thẳng thắn trả lời nhiều vấn đề liên quan. Riêng về công tác thẩm định, để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ phải nâng cao chất lượng thẩm định thông qua việc phát huy cơ chế hoạt động của các hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định. Đặc biệt là thu hút sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, tổ chức đại diện cho nhóm lợi ích, hiệp hội và chuyên gia, nhà khoa học uy tín. Đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật; chú trọng củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ này.

Trong phiên làm việc sáng nay, các ĐBQH cũng chất vất nhiều nội dung xoay quanh các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp như: Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật; giải pháp kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản và giám định tư pháp.

Chiều nay, phiên chất vấn tiếp tục các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tin, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top