Xã hộiPhòng chống thiên tai

Chủ động phòng chống thiên tai

08:45 - Thứ Hai, 27/12/2021 Lượt xem: 2408 In bài viết

ĐBP - Mùa mưa lũ năm 2021 trên địa bàn tỉnh mang nhiều yếu tố dị thường, không theo quy luật. Các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm như: Rét đậm, rét hại; giông sét, lốc, mưa đá, mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng lượng mưa toàn mùa (từ tháng 5 - 10/2021) đạt từ 1.040 - 1.757mm. Trên các sông Nậm Mức, Nậm Núa đã xuất hiện 10 trận lũ, đỉnh lũ lớn nhất trên hai dòng sông này xuất hiện vào tháng 8. Năm 2021 thiên tai đã làm 3 người chết, 2 người bị thương; 916 ngôi nhà, 19 điểm trường bị thiệt hại; trên 1.421ha lúa, ngô, sắn, hoa màu, cây lâu năm bị thiệt hại; 27 cầu, cống, 24 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng. Ước tổng thiệt hại khoảng 86,2 tỷ đồng.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, đơn vị đại diện chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án kênh thủy lợi góp phần tiêu nước, tránh ngập úng tại xã Búng Lao.

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan. Trong khi đó, tỉnh Điện Biên có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt do sông, suối nên các loại hình thiên tai thường xảy ra và gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài ra, việc cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đối với một số địa bàn vùng sâu vùng xa còn hạn chế; phạm vi cảnh báo còn rộng, chưa cụ thể. Còn nhiều hộ dân trong tỉnh chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất do thiếu quỹ đất ở lâu dài. Nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Đối với các loại hình thiên tai xảy ra nhanh, mạnh như lũ quét, giông lốc, mưa đá, sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhà cửa của người dân trên địa bàn còn chưa đáp ứng được, dễ bị ảnh hưởng, thiệt hại. Cùng với đó, nhiều người vẫn còn chủ quan, chưa có ý thức tự chủ động phòng, tránh thiên tai.

Ông Nguyễn Đức Đặng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Để phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên đề nghị chính quyền các cấp chủ động phối hợp, triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai theo các cấp độ. Đình chỉ thi công đối với các dự án có thải đất đá gây cản trở thoát lũ hoặc gây sạt lở, lấp dòng chảy tạo nguy cơ lũ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng, xây dựng các loại công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, kè chống sạt lở sông, suối. Chủ động kiểm tra, rà soát, xác định những khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra thiên tai, nhằm chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau mùa mưa lũ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về phòng chống thiên tai; các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai, như: Chủ động gia cố nhà cửa, thu hoạch sớm mùa vụ tránh ảnh hưởng của thiên tai...

Các cấp chính quyền cần kiên quyết di dời, sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, đáp ứng kịp thời khi thiên tai xảy ra, nhất là các địa phương còn gặp khó khăn về giao thông trong mùa mưa lũ. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách của đơn vị, địa phương, huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để khắc phục có hiệu quả những thiệt hại do thiên tai gây ra để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Hiện nay, 129/129 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai; các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động trong công tác khắc phục hậu quả, vận động các lực lượng tại chỗ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đến nay đã tổ chức di dời 57 hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai đến nơi an toàn; trong đó huyện Tủa Chùa di dời 4 hộ dân, Mường Nhé 31 hộ, TX. Mường Lay 6 hộ, huyện Điện Biên Đông 3 hộ, Mường Ảng 2 hộ, Mường Chà 1 hộ, Nậm Pồ 8 hộ và huyện Điện Biên di dời 2 hộ.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận
Back To Top