Truyện ngắn

Hoa mướp

00:00 - Thứ Sáu, 11/03/2016 Lượt xem: 2524 In bài viết
ĐBP - Lớp vỡ lòng của chúng tôi là một dãy nhà tranh vách đất, mùa hè gió từ dòng sông Vẹn ùa về mát rượi. Chúng tôi có thói quen là cứ cuối buổi học lại chạy sang các lớp khác xem có ai để sót cái gì không? Có nhiều lần chúng tôi được ăn kẹo nhờ đem cái thước, lọ mực hay cái bút của ai đó để quên đem ra đổi cho bà bán nước trước cổng trường.

Ảnh minh họa: Hồng Hạnh

Năm đó, cô Thoa ngoài 20 tuổi. Cô ở nội trú trong trường, thứ bảy cô đạp xe về nhà, cách đó 50 cây số.

Mẹ tôi là đồng nghiệp của cô. Mẹ hay dặn tôi là nếu nhặt được của rơi thì đem nộp lại cho nhà trường để trả lại cho người bị mất. Nhưng thằng Cường, con nhà hàng xóm thì nói: “-Khi nào nhặt được đồ rơi thì đưa tao đem ra đổi kẹo cho bà hàng nước đầu trường”. Nói rồi, nó đưa cho tôi một cái kẹo vừng, tôi ăn thích quá, quên cả lời mẹ dặn.

Cô Thoa hay đến nhà tôi chơi. Mỗi lần đến thường giúp mẹ tôi giã gạo. Hai người vừa giã gạo vừa trò chuyện ríu rít.

Mẹ tôi là cô giáo nhưng làm thêm hàng xáo, nuôi lợn. Còn cô Thoa thì nhận len về đan áo, lấy tiền công.

Năm năm tôi ở làng, từ vỡ lòng lên cấp hai. Cô Thoa vẫn vậy, đều đặn đến lớp, tối về soạn giáo án, đan len, rảnh thì sang nhà tôi giúp mẹ giã gạo. Cô bước qua tuổi hai mươi nhanh như mũi đan trên bàn tay cô thoăn thoắt.

Cô vẫn chưa lấy chồng. Một lần, có một anh thọt chân vì tự thương để trốn chiến trường đi qua phòng cô chọc ghẹo: “Mướp già thì mướp có xơ/ Cô già cô vẫn nằm trơ một mình”.

Tôi đem chuyện này về nói với mẹ, mẹ tôi nói:

-  Đó là tay Hành ở làng Tói, hắn tán chị Thoa không được nên tức mới làm thế.

Hành nổi tiếng ở xã tôi. Hồi phong trào đi nông trang, hắn đặt vè: “Nông trang nông trại, ai dại thì đi, bỏ xóm bỏ làng, bỏ quê bỏ quán”.

Khi bị xã gọi lên hỏi, hắn thản nhiên:

- Tôi nói là: “Nông trang nông trại, hăng hái thi đua, lập xóm lập làng, lập quê hương mới”.

Xã bèn cho về.

Năm học lớp mười hai, tôi trọ học ở trường chuyên thành phố, mỗi tháng về nhà lấy tiếp tế lương thực, thực phẩm một lần.

Hôm đó, về nhà thấy cô Thoa đang ngồi với mẹ. Nhìn thấy tôi, cô nói:

- Hoàn à, cháu học trên thành phố có biết Hà nhà ở làng Tói không?

- Dạ, Hà học cùng khối với cháu. Hà học chuyên văn cô ạ.

- Vậy hôm nào đi, cho cô gửi cái này cho Hà nhé?

Hai hôm sau, cô Thoa sang nhà tôi, tay cầm một bị đựng gạo và một bịch đựng xà phòng, kem đánh răng, bột ngọt, ruốc bông, một cái áo len. Từ đó, tôi và Hà thân nhau.

Hà là con cô Hoà vợ chú Hoành, chú Hoành là anh vợ chú Hành, người năm xưa theo đuổi cô Thoa không thành. Tôi thắc mắc là vì sao cô Thoa lại gửi quà cho Hà, Hà nói:

- Mẹ tớ mất năm năm rồi. Cô Thoa là bạn hàng với mẹ tớ, hai người thân nhau lắm, mẹ tớ ngày còn sống vẫn nhận hàng của cô Thoa đem bán ở chợ huyện.

Chú Hoành là bảo vệ trường. Chú bị thương ở tay phải, mỗi lần đi xe đạp là chú phải lên xe bên tay trái. Có lần vừa lên xe, gặp con trâu đi ngang qua làm chú ngã xe, mặt nhăn nhúm. Cô Thoa đi chợ về nhìn thấy đỡ chú dậy. Chuyện chỉ có thế mà tụi con nít cũng đặt vè ê a hát : “...Vè vẻ vè ve/ Cái vè lá mít/ Chú Hoành bánh ít/ Cô Thoa bánh gai/ Rổ rá cạp lại/ Bánh ít bánh gai...”

Năm tôi cùng Hà vào đại học thì cô Thoa về ở hẳn với chú Hoành. Chúng tôi học ở Hà Nội, mỗi năm về nhà hai lần. Con sông Vẹn bên trường bây giờ là dòng sông cụt, chia từng đoạn để nuôi trồng thủy sản. Chú Hoành cũng nhận một ô để nuôi cá giống. Trên bờ chú trồng cây gọi chim về  ríu rít. Mùa hè về làng, tôi hay ra dòng sông Vẹn câu tôm rồi cùng chú Hoành vào trại cá uống rượu. Có lần chú Hoành nói:

- Hoàn à, mày gọi chú là cha thì cùng cạn chai này...

Chú Hoành ngày một gầy yếu, có hôm chú đau không ra trại cá được, cô Thoa phải ra thay. Năm đó, cô Thoa mới hơn 40 tuổi.

  Một hôm trăng sáng, tôi ra trại cá chơi, gần đến bờ sông, tôi nghe tiếng quát:

-  Anh về đi, không tôi la lên bây giờ

-  Ừ thì về, gì mà giữ... gìn thế?

Vừa kịp nép vào bụi cây, tôi thấy bóng chú Hành bước ra, bước chân đi tập tễnh không lẫn được với ai.

Bốn năm học qua nhanh, tôi và Hà đi làm, đang dự định tổ chức đám cưới thì nghe tin dì Huề, vợ chú Hành mất.

Nhìn ba đứa con chú Hành, đứa bé nhất mới học lớp năm nằm khóc bên mộ mẹ, chúng tôi không ai cầm lòng được. Sau khi mồ yên mả đẹp cho dì, cô Thoa phát biểu:

- Dù gì thì cũng không để các cháu thất học, tôi sẽ nuôi cháu Tuấn Oanh cho đến hết đại học nếu cháu thi đậu.

Chú Hành nói như khóc:

- Cảm ơn mợ đã không giận tôi mà cưu mang lấy cháu. Còn thằng út thế nào tôi cũng nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn.

Hai năm, rồi mười năm vùn vụt trôi qua, tôi và Hà đã là vợ chồng với hai mặt con kháu khỉnh. Cô Thoa giờ đây tôi đã quen thân như mẹ ruột. Tóc cô đã như một cánh đồng sau vụ gặt.

Sáu tháng chăm chồng ở bệnh viện, cô Thoa gầy xọp đi. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Hôm đưa chồng về quê an táng, mắt cô Thoa như hai giếng nước sâu hun hút nỗi buồn.

Các em tôi và em Hà đều đã trưởng thành. Hai người con chú Hành cũng đều đã có công ăn việc làm.

Trong căn nhà của cô Thoa giờ đây chỉ còn cô với giàn hoa mướp. Giàn hoa mướp hương vẫn đều đều cho quả ngọt. Ở Hà Nội tôi cũng trồng một giàn mướp hương lấy giống từ quê mà cô Thoa đã cố công giữ giống từ những ngày xa xa...

Phan Xuân Hậu
Bình luận
Back To Top