Nậm Pồ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:06 - Thứ Sáu, 23/06/2017 Lượt xem: 6323 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh, nhưng đến nay huyện Nậm Pồ đã và đang có những bước vươn mình trong phát triển kinh tế - xã hội; từng bước nâng cao mức sống cũng như thu nhập của người dân… Có được kết quả đó là nhờ đóng góp không nhỏ từ việc đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn, đặc biệt ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều nông dân huyện Nậm Pồ áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi phát triển đàn gia súc.  Ảnh: Phạm Trung 

Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, đặc biệt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù của từng địa phương, điều tra cung - cầu lao động của các doanh nghiệp, ngành kinh tế trên địa bàn; từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ, cho biết: Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”… lấy hiệu quả để đánh giá kết quả học tập là cách làm của Trung tâm trong việc dạy nghề cho học viên; công tác giảng dạy, đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở phạm vi lý thuyết, hướng dẫn chung chung theo khái niệm mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng sau mỗi khóa đào tạo. Trung tâm chủ động xây dựng chương trình hoạt động, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã tiến hành rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề để nắm được nhu cầu học của người dân. Đồng thời, định hướng việc chọn nghề cho lao động nông thôn thiết thực, phù hợp với tình hình, lợi thế và tiềm năng sẵn có với nhiều ngành nghề khác nhau. Năm 2016, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức 16 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và chứng chỉ đào tạo cho 98% học viên. Qua các lớp học nghề, các học viên đã phát huy trong thực tiễn lao động sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập; nhiều lao động đã xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình hoặc được các công ty tuyển dụng. Theo kế hoạch năm 2017, chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Nậm Pồ là 535 người (trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề 8 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 527 người). Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất, hộ cận nghèo, lao động nữ, bộ đội xuất ngũ, người sau cai nghiện ma túy, người được đặc xá, lao động chuyển đổi ngành nghề theo đề án sắp xếp ổn định dân cư...

Bà Lò Thị Yêu, bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, cho biết: Việc phát triển mô hình trồng nấm đã giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Để có được những thành quả như hôm nay, tôi và bà con trong bản đã tích cực nghiên cứu, theo học lớp kỹ thuật trồng và chế biến nấm do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức... Từ những kiến thức đã học, tôi chủ động áp dụng vào thực tiễn, xây dựng mô hình trồng nấm ngay tại nhà; nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, xuất bán cho người dân trong bản và các vùng lân cận với giá thành cao.

Mong rằng, với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện vùng cao Nậm Pồ sẽ đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Từ đó, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, tạo công ăn, việc làm ổn định cho người dân, tiến tới hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top