Những nỗi đau mang tên “thuốc trừ cỏ”

15:22 - Thứ Hai, 30/10/2017 Lượt xem: 6926 In bài viết
ĐBP - Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc thuốc trừ cỏ tại Điện Biên ngày một gia tăng. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, trung bình mỗi năm có từ 20 – 40 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, Khoa Điều trị tích cực – Chống độc đã tiếp nhận 27 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến người dân tự tử là do mâu thuẫn cá nhân, gia đình; buồn phiền chuyện tình cảm, chuyện học hành; cờ bạc, nợ nần nhiều...

Qua câu chuyện về những trường hợp người dân tự tử bằng thuốc trừ cỏ ở vùng nông thôn Điện Biên trong thời gian gần đây, không chỉ cho thấy nỗi đau về tinh thần và thể xác mà người tự tử phải chịu đựng, mà còn để lại cho gia đình, người thân sự buồn đau, tiếc thương, cùng với những trách nhiệm nặng nề.

 

Đã 2 tháng trôi qua nhưng gia đình chị Lò Thị Mai vẫn bàng hoàng sau khi con trai tự tử bằng thuốc trừ cỏ.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lò Thị Mai, đội 7, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên. Cách đây hơn 2 tháng, người con trai thứ 2 của chị là cháu Lò Văn N., sinh năm 2002, đang học lớp 10, Trường THPT huyện Điện Biên, đã mất vì tự tử bằng thuốc trừ cỏ. Chia sẻ với chúng tôi trong nước mắt, chị Mai cho biết: “Hôm đó N. bỏ học, cùng bạn bè đi chơi đến đêm mới về nhà nên tôi đã mắng N., không ngờ nó giận dỗi bỏ đi luôn. Đến hôm sau thì người dân phát hiện N. đang trong tình trạng ngất xỉu ở bãi đất gần nhà; khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu thì mới biết N. đã uống thuốc trừ cỏ”.

Theo chia sẻ của chị Mai, sau khi được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, N. đã tỉnh lại; tuy nhiên tình trạng sức khỏe rất yếu, cứ nhìn thấy bố mẹ và người thân trong gia đình là N. chực khóc hối hận. Vài hôm sau thì N. qua đời.

Chị Đông Thị T., trú tại đội 19, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên vừa mới được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho xuất viện. Chúng tôi cảm nhận được sự ăn năn, dằn vặt qua những chia sẻ của chị T. Được biết, do mâu thuẫn cá nhân, chị T. đã tìm đến cái chết bằng thuốc trừ cỏ; nhưng rất may được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, chất Paraquat trong thuốc trừ cỏ đã ngấm nhiều vào cơ thể, vì vậy sau khi được bệnh viện cho về, chị T. luôn cảm thấy mệt mỏi, toàn thân rã rời. Thỉnh thoảng cơn đau lại hành hạ, khiến chị T. vật vã, khóc lóc rồi nằm co quắp trên giường. Được biết, chồng chị T. đã mất cách đây nhiều năm, giờ đây nếu chị T. qua đời, 2 con nhỏ đang trong độ tuổi đi học sẽ lâm vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. “Tôi ân hận lắm, giá như tôi sáng suốt hơn để suy nghĩ giải quyết mọi chuyện bằng cách khác, thì bây giờ đã không phải chịu những cơn đau như thế này” – chị Đông Thị T. chia sẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, Bác sỹ Nguyễn Thế Dũng, Trưởng khoa Điều trị tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên), cho biết: “Hầu hết số ca ngộ độc thuốc trừ cỏ đều tử vong khi đến viện, do chất Paraquat trong thuốc trừ cỏ cực độc, làm hệ tiêu hóa, phổi, gan, thận của nạn nhân bị phá hủy nặng nề; số còn lại phục hồi được ra viện, về địa phương cũng tử vong sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, vẫn có số ít ca sống sót sau khi được chạy thận nhân tạo và lọc máu liên tục; thế nhưng di chứng để lại khiến bệnh nhân đau đớn kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng”. Bác sỹ Nguyễn Thế Dũng phải bỏ dở câu chuyện với chúng tôi để cấp cứu 1 bệnh nhân vừa được đưa vào khoa do uống thuốc trừ cỏ tự tử. Còn chúng tôi được chứng kiến một phụ nữ đang kêu gào, khóc thảm thiết và đau đớn vì chất độc trong thuốc trừ cỏ đang thấm sâu vào cơ thể…

Những câu chuyện trên chỉ là 3 trong số nhiều ca tự tử bằng thuốc trừ cỏ mà chúng tôi được biết. Cùng với tự tử bằng lá ngón, thuốc diệt chuột, hiện nay việc tử tự bằng thuốc trừ cỏ đang dần trở thành vấn nạn, đặt ra cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng những thách thức mới; làm sao để có những giải pháp tuyên truyền hiệu quả, tích cực, nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân; đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, để họ hiểu và hạn chế những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực dẫn tới cái chết không đáng có.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top