Tình quân dân trong mưa lũ

08:21 - Thứ Năm, 26/07/2018 Lượt xem: 12096 In bài viết
ĐBP - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi mùa mưa đến, tỉnh ta lại chứng kiến thêm những tàn tích do bão, lũ, gió lốc gây ra, đó là những ngôi nhà đổ sập, tốc mái, những cây cối gãy ngổn ngang, những cung đường sạt lở, những ruộng đồng ngập nước và ở đâu đó, tính mạng con người luôn bị đe dọa. Giữa những ngổn ngang ấy, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh ngày đêm thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn cùng người dân khắc phục hậu quả mưa lũ đã tạo nên biết bao câu chuyện cảm động về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, về tình quân - dân keo sơn, gắn bó được kể lại, lan tỏa mạnh mẽ.

Hậu quả để lại do mưa lũ là rất nặng nề và thậm chí đối với nhiều gia đình là chẳng thể đo đếm khi trong đó có cả tính mạng người thân của họ. Thống kê thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây cho thấy, năm 2016, toàn tỉnh có 4 người chết, thiệt hại tài sản gần 380 tỷ đồng; năm 2017 có 13 người chết, tổng thiệt hại trên 156 tỷ đồng và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã ghi nhận có 1 người chết, hơn 55 tỷ đồng bị thiệt hại.

 

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ðiện Biên diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Đức Hạnh

Trước tình hình mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp, cùng với các đơn vị khác trên địa bàn, nhiệm vụ huấn luyện, chuẩn bị lực lượng, phương tiện luôn được Bộ CHQS tỉnh xác định là công việc thường xuyên để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Bên cạnh đó, để kịp thời chỉ đạo các lực lượng ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, Bộ CHQS tỉnh đã yêu cầu các đơn vị tăng cường bám nắm địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các phương án phòng, chống lũ, chuẩn bị tốt về phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cũng như nhu yếu phẩm cần thiết để giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ, đặc biệt chú ý hỗ trợ các trường học, trạm y tế dọn dẹp để nhanh chóng hoạt động trở lại. Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Hơn ai hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn thấu hiểu rằng nhiệm vụ phòng chống bão lũ, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai cũng là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội thời bình. Xác định rõ nhiệm vụ này từ trước nên mỗi người lính chúng tôi khi đến với dân luôn tâm niệm phải vận dụng hết sức lực và mưu trí của mình để giúp người dân hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.

Ðã gần 1 năm trôi qua, xong đối với chị Lò Thị Dọn, bản Na Ten, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) hình ảnh những chiến sĩ giữa đêm giông, đi xuồng cứu hộ băng lũ đưa chị cùng 2 người dân khác trở về an toàn sau gần 10 tiếng bị lũ dữ cô lập chẳng thể nào quên. Ðó là đợt mưa lũ vào trung tuần tháng 8/2017, khi làm nương về chị Dọn và 2 người dân cùng bản đã không kịp qua cầu do nước lũ dâng nhanh và chảy xiết. Chị cùng 2 người dân đành quay trở lại trú tạm trên lán nương của gia đình và gọi điện báo cho người thân khi trời đã sẩm tối. Sau khi nắm được thông tin, Ban CHQS huyện Ðiện Biên đã cử 6 cán bộ, chiến sĩ, huy động 10 dân quân tự vệ phối hợp cùng các lực lượng khác tham gia cứu hộ ngay trong đêm. Dầm mình trong mưa giông, đi xuồng giữa dòng nước lũ chảy xiết, thời khắc các cán bộ, chiến sĩ đưa được 3 người dân vào bờ an toàn, cũng là lúc đồng hồ bắt đầu điểm sang ngày mới.

 

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Mường Nhé cùng lực lượng dân quân tự vệ diễn tập tìm kiếm cứu nạn cứu hộ mùa mưa lũ. Ảnh: Văn Hiếu

Gần đây nhất là trận mưa lũ những ngày cuối tháng 6 đã gây ngập lụt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, trong đó bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Trung tá Vi Văn Thu, Chính trị viên phó kiêm chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Mường Nhé, người trực tiếp tham gia công tác cứu hộ ở bản Cà Là Pá, cả bản có gần 30 ngôi nhà là nơi ăn, chốn ngủ của hơn 150 con người thì cũng từng ấy ngôi nhà chỉ qua một đêm đều ngập trong bùn lũ. Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Vi Văn Thu cho biết: Xác định những lúc như vậy là lúc người dân cần mình nhất, bởi vậy, ngay khi có mặt tại bản, sau khi phân công công việc, anh em trong đơn vị cùng các lực lượng khác sắn tay vào giúp dân dọn dẹp bùn đất, xối rửa vật dụng gia đình… mong bà con sớm ổn định cuộc sống. 

Cùng thời điểm trên, một số xã thuộc huyện Ðiện Biên như: Núa Ngam, Sam Mứn dù không bị ngập sâu, nhưng diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu có nguy cơ mất trắng do ngập úng. Cũng chính vào thời điểm đó, trên những cánh đồng, gần 90 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn 741) đã kịp thời giúp bà con thu hoạch trên 2,5ha hoa màu, giảm bớt thiệt hại về tài sản cho người dân.

Riêng trong đợt mưa lũ cuối tháng 6 vừa qua, Ban CHQS các huyện Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ đã huy động gần 70 cán bộ, chiến sĩ thường trực, 230 đồng chí dân quân tự vệ tham gia giúp dân thu hoạch 3,5ha hoa màu, tu sửa 7,5km đường giao thông, tu sửa 14 nhà dột nát, vận chuyển đồ dùng và gia súc, gia cầm đến nơi an toàn cho gần 40 hộ dân với gần 800 ngày công. Dẫu biết sức con người trước thiên nhiên là có hạn, nhưng trong gian khó không những bằng trách nhiệm mà còn bằng cả lương tâm, trái tim chân thành của người lính chính là động lực tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ và người dân vùng lũ vượt qua mọi khó khăn.

Đức Huy
Bình luận
Back To Top