Nhân lên những điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số

16:41 - Thứ Ba, 10/12/2019 Lượt xem: 12260 In bài viết

ĐBP - Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ III vừa diễn ra thành công, với sự tham gia của 250 đại biểu, đại diện cho 19 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, đại hội thực sự là ngày hội lớn, là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội sâu rộng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hàng trăm đại biểu là hàng trăm đại diện tiêu biểu cho đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh, là những điển hình tiên tiến cho các hoạt động, phong trào thuộc mọi thành phần, lĩnh vực của đời sống xã hội. Với những bài tham luận đúc rút từ thực tế, các đại biểu đã chia sẻ, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu trong thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn của tỉnh. Sau đây Báo Điện Biên Phủ điện tử xin gửi đến bạn đọc một số nội dung tham luận tiêu biểu.

Ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

MTTQ là nòng cốt tạo dựng và phát triển các phong trào thi đua yêu nước

Ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Xác định thi đua yêu nước là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Với vai trò tập hợp các tầng lớp nhân dân, những năm qua (2014 – 2019), MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập hợp, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động lớn. Trong đó, tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh. Kết quả lấy ý kiến do MTTQ thực hiện tại 22 xã và 1 thị xã trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, 93,8% người dân được lấy ý kiến đã thể hiện sự hài lòng.

Để có được kết quả đó, Từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt, trong việc đẩy mạnh các hình thức, hoạt động tuyên truyền. Với 6.289 cuộc tuyên truyền, và trên 170.000 lượt người tham dự thông qua cả trực tiếp và  phối hợp với các tổ chức chính trị, thì mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ cụ thể của mỗi tầng lớp nhân dân trong thực hiện cuộc vận động đã được phổ biến rộng rãi, từ các đồng chí là Bí thư chi bộ, Trưởng bản, Trưởng ban công tác Mặt trận, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn dân cư.

Sức lan tỏa từ tuyên truyền, đã tạo ra sự đồng thuận và chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào các dân tộc, từ đó người dân tự giác tham gia hiến đất, đóng góp tiền, ngày công xây dựng NTM; chủ động xây dựng quy ước, hương ước, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; củng cố và duy trì tốt các mô hình an ninh trật tự, bảo vệ môi trường,thực hiện nếp sống văn minh. Thống kê từ năm 2014 đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động nhân dân hiến 165.407 m2  đất làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, trường học…; góp 47.480 ngày công lao động với trị giá trên 100 tỷ đồng cho xây dựng NTM và đô thị văn minh.

Song song với đó, công tác giám sát, phản biện xã hội cũng được MTTQ quan tâm chỉ đạo sát sao. Từ năm 2014 đến nay, đã có trên 2.000 cuộc giám sát được thực hiện, tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận xã hội, như: Xây dựng cơ sở hạ tầng; nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, ưu đãi nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo…; phản biện 2 nội dung dự thảo. Trên cơ sở giám sát, phát hiện, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết hàng trăm vụ việc; kịp thời nắm bắt và đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Đúc rút những kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ trong tập hợp, đoàn kết và vận động nhân dân trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn thời gian qua, MTTQ tỉnh cũng chỉ một số giải pháp quan trọng trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó chú trọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền; thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; hướng mọi hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư và hộ gia đình; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát huy vai trò của người uy tín ở khu dân cư; nâng cao chất lượng đánh giá các danh hiệu, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các gương người tốt, việc tốt, điển hình ở cơ sở. 

* * *

Ông Lý Hà Tư, người có uy tín xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé

Phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ chính sách dân tộc để phát triển kinh tế hộ gia đình

Ông Lý Hà Tư, người có uy tín xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc cả nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn biên giới và hải đảo nói riêng, thông qua nhiều chủ trương, đường lối và chính sách phù hợp tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, như: Chương trình 135, 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chính sách 102, Chi trả dịch vụ môi trường rừng… Tranh thủ và phát huy hiệu quả những nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ này, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế trang trại nhỏ.

Nhờ mạnh dạn trong làm ăn và động lực từ các chương trình hỗ trợ, trang trại đã ngày một phát triển, mở rộng. Hiện tại, gia đình đã có 5 con bò, 4 con trâu, đàn dê 46 con, đàn lợn 5 con, gia cầm các loại trên 30 con, và trên 2ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm thu nhập từ trang trại gia đình được 30 triệu đồng. Năm 2018, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ nuôi bò sang trồng cây Sa Nhân, gia đình nhận và trồng 8ha Sa Nhân. Đây là cách làm mới trong việc trồng cây công nghiệp mang về lợi ích kinh tế cao. Bên cạnh đó gia đình tôi còn nhận chăm sóc và bảo vệ 5ha rừng, mỗi năm nhà nước chi trả cho gia đình gần 30 triệu đồng. Từ đó, gia đình đã có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, cho các con ăn học, được chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Tôi cho rằng, các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn biên giới và hải đảo là một chủ trương đúng đắn, tạo động lực để bà con các dân tộc còn khó khăn phấn đấu làm ăn, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để những chính sách, chương trình dự án này đến được với người dân và phát huy hiệu quả thì sự quan tâm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã cũng hết sức quan trọng. Vừa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, song phải có sự chọn lọc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, với những cách làm năng động, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Với sự tin tưởng của bản thân đối với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước; thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM; đẩy mạnh hơn nữa phát triển sản xuất, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực tham gia phong trào, hoạt động ở địa phương…

* * *

Ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương

Ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng.

Huyện Mường Ảng có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 44.000ha; trong đó có trên 41.000ha là đất nông nghiệp. Cùng với đó là huyện có vị trí địa lý nằm trên trục đường Quốc lộ 279, giao thông đi lại thuận lợi, dễ dàng giao thương với các tỉnh lân cận. Đó là những điều kiện thuận lợi để Mường Ảng phát triển một số loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả và phát triển nông sản hàng hóa.

Trước những tiềm năng, lợi thế đó, huyện Mường Ảng đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn; trong đó tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam và chanh leo. Nhìn chung bước đầu thực hiện, huyện đã hình thành và tạo được chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu của thị trường. Nhiều hộ gia đình đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Về phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, từ năm 2018 đến nay, huyện Mường Ảng đã tiến hành chuyển đổi một phần diện tích đất nương, vườn tạp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế. Hiện, toàn huyện có khoảng 30ha chanh leo đang sinh trưởng, phát triển tốt; nhiều diện tích đang trong giai đoạn thu hoạch với năng suất ước đạt 13 - 15 tấn/ha/năm. Một số doanh nghiệp cũng tiến hành đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn như: Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà đã đầu tư trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao; Công ty TNHH Bùi Gia Phát đang khảo sát để xây dựng dự án kết hợp giữa trồng rừng, các loại cây ăn quả và các loại cây kinh tế khác...

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng huyện Mường Ảng đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.500 - 2.000ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả; định hướng đến năm 2025 có từ 2.000 - 2.500ha cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả.

Để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, thời gian tới, huyện Mường Ảng sẽ chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong tái cơ cấu nông nghiệp. Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích nhân dân triển khai thử nghiệm các giống cây trồng mới; đưa ứng dụng công nghệ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế phù hợp với địa phương để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn…

Hà Linh – Lan Hương – Phạm Quang (ghi)
Bình luận
Back To Top