Dân với Ðảng Ðảng với Dân

09:35 - Thứ Ba, 13/10/2020 Lượt xem: 6107 In bài viết

ĐBP - Nhiệm kỳ qua, tỉnh ta thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết vươn lên, đạt được những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; các chính sách xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét khu vực nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống người dân. Ðể đưa Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ mới, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân cần chung sức, đồng lòng phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Ông Trần Quang Kỳ, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Mường Chà

Nâng cao vai trò người cao tuổi trong hệ thống chính trị

Tôi nhận thấy, những năm qua, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn huyện Mường Chà nói riêng và toàn tỉnh nói chung không chỉ nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà còn phát huy bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm sống, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Minh chứng là tại nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh có nhiều NCT đang tham gia công tác Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tại cơ sở. Trong số đó, có người là bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng bản, trưởng khu phố… Ðơn cử như tại huyện Mường Chà, hiện nay có hơn 2.670 NCT, trong đó có 14 NCT được tín nhiệm bầu làm bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng bản, chi hội trưởng chi hội khuyến học xã, tổ dân phố…

Người cao tuổi tham gia công tác xã hội phần lớn là cán bộ hưu trí, từng trải qua các lĩnh vực công tác, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức sâu rộng nên thường xuyên đóng góp ý kiến tâm huyết với công tác xây dựng Ðảng, chính quyền ở cơ sở, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Ðặc biệt, trong các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND các cấp, NCT đã thẳng thắn nêu những vấn đề tồn tại, bức xúc ở địa phương, phản ánh kịp thời những ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, tham mưu các giải pháp khắc phục khó khăn. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở địa phương.

Với những đóng góp tích cực của NCT tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tôi mong muốn nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ có những đánh giá khách quan, đầy đủ vai trò và những đóng góp của NCT trên một số lĩnh vực như: Tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể ở cơ sở; gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; công tác khuyến học, khuyến tài; góp phần giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới; tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Từ đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí NCT. Ðồng thời, có những kiến nghị với Ðảng, Nhà nước về chính sách phù hợp, cụ thể, tạo điều kiện để NCT tham gia, phát huy huy vai trò, đóng góp khả năng, trí tuệ vào công cuộc xây dựng Ðảng, chính quyền, đoàn thể và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Hằng (ghi)

Ông Mùa A Sếnh, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo

Nhân dân luôn tin tưởng một lòng theo Ðảng

Ông Mùa A Sếnh, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo.

Là người Mông sinh ra và lớn lên tại bản Khó Bua, xã Pú Nhung - một trong những “cái nôi” cách mạng của tỉnh, qua lời kể của bố mẹ, ông bà, tôi biết trước kia người Mông nói riêng và các dân tộc anh em khác nói chung sống rất khổ cực do áp bức của thực dân phong kiến. Chính vì vậy mà nhân dân Pú Nhung đã đứng lên theo Ðảng làm cách mạng, tiêu diệt giặc Tây và bè lũ tay sai. Tấm gương Anh hùng trẻ tuổi Vừ A Dính và Anh hùng lực lượng vũ trang Sùng Phái Sinh luôn là niềm tự hào của nhân dân Pú Nhung.

Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, cấp ủy và chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Người dân Pú Nhung cũng như toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực lao động, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững. Nhân dân cũng tích cực hưởng ứng các cuộc phát động của Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ quyên góp, ủng hộ người dân bị thiên tai, bão lụt; đóng góp ngày công để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng trường, lớp học, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn trong cuộc sống.

Trong mọi thời kỳ, nhân dân Pú Nhung trước sau nguyện một lòng theo Ðảng. Với niềm tin Ðảng bộ tỉnh sẽ đủ uy tín tập hợp và phát huy sức mạnh nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa tỉnh ta phát triển ngang tầm với các tỉnh miền núi khác. Tôi kỳ vọng những quyết sách từ Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) sẽ tạo ra những vận hội mới, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của tỉnh nhà. Người dân Pú Nhung sẽ chung sức cùng nhân dân các dân tộc sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tú Trinh (ghi)

Ông Ðào Chí Quyên, tổ dân phố 2, phường Na Lay, TX. Mường Lay

Kỳ vọng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, về sự thành công của đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở ở tỉnh ta, bản thân tôi nhận thấy công tác chuẩn bị về nhân sự được thực hiện công phu, chu đáo; nhờ đó hầu hết các đồng chí trúng cử cấp ủy đều hội tụ đầy đủ đức, tài, tâm và có sự tín nhiệm cao. Cụ thể như tại TX. Mường Lay, cũng chính sự chuẩn bị chu đáo về công tác nhân sự nên tại kỳ đại hội Ðảng vừa qua cơ bản bầu một lần đủ số lượng, đúng cơ cấu. 28 đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Ðảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 không chỉ trúng cử với số phiếu cao mà còn có sự đổi mới về thành phần, đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số… Sau khi tổ chức thành công Ðại hội, các chi, đảng bộ đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức, triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống, quyết tâm tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong giai đoạn mới, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đội ngũ cán bộ trong nhiệm kỳ mới.

Tôi tin Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV sẽ thành công tốt đẹp, sáng suốt chọn lựa được những đồng chí hội tụ đầy đủ các phẩm chất: Ðức, tài, tâm để bầu vào Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khoá mới.

Trong Dự thảo lần thứ 7 báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khóa XIII trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; bảo đảm sự kế tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, xây dựng tỉnh Ðiện Biên ngày càng phát triển toàn diện, bền vững…”. Theo tôi, muốn làm được điều này, một trong những điều quan trọng đó là những người đứng đầu, công tác cán bộ phải thực sự lắng nghe tiếng nói của toàn dân để tránh bỏ sót nhân tài và loại bỏ những kẻ cơ hội, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Ðó cũng chính là một trong những căn cứ chọn lựa, sàng lọc được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng và đội ngũ cán bộ các cấp nói chung xứng tầm, đáp ứng cả nhu cầu trước mắt và lâu dài. Từ đó phát huy được trí tuệ tập thể, dân chủ, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, để ý chí của Ðại hội và tinh thần của Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn.

Đức Huy (ghi)

Ông Vừ Chùng Phùa, Trưởng bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé huyện Mường Nhé

Ðời sống nhân dân đã no ấm, đủ đầy hơn

Ông Vừ Chùng Phùa, Trưởng bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé huyện Mường Nhé.

Bản Nậm Pố 4 chủ yếu là người dân di cư từ huyện Tủa Chùa và tỉnh Sơn La đến sinh sống rải rác tại các vườn cao su. Năm 2012, để người dân ổn canh, ổn cư, xây dựng và phát triển kinh tế trên quê hương mới, chính quyền huyện Mường Nhé đã bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo Ðề án 79.

Bà con được bố trí đất ở, đất sản xuất; thông qua các chương trình, dự án (30a, 134/CP, 135/CP, Ðề án 79) còn được hỗ trợ cây, con giống, nông cụ sản xuất; tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Sau hơn 8 năm về nơi ở mới, đời sống người dân bản Nậm Pố 4 đã có nhiều đổi thay. Vừa qua được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Bộ Công an, bản Nậm Pố 4 có hơn 10 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở mới và sửa chữa, góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát của bản.

Không trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều năm qua người dân bản Nậm Pố 4 đã tích cực khai hoang ruộng bậc thang (toàn bản hiện có 30ha), trồng ngô, lúa theo khoa học. Tận dụng vùng đất đồi có nhiều cỏ, bãi chăn thả, bà con dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện bản có gần 70 con trâu, bò và hàng ngàn con gia cầm. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 80% xuống còn 50,03%. Nhiều hộ chăm chỉ làm ăn không những thoát nghèo mà còn mua sắm được đồ dùng hiện đại (ti vi, tủ lạnh, xe máy...). 100% trẻ em bản Nậm Pố 4 đến trường đúng độ tuổi.

Ðể nhân dân bản Nậm Pố 4 yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, tôi và người dân trong bản mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé. Ðặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng công trình nước sạch; từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống tinh thần cho người dân.

Phương Linh (ghi)

Ông Nguyễn Ðức Lợi, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng

Kỳ vọng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái. Ðiển hình như tại huyện Ðiện Biên đã hình thành vườn cây vú sữa theo hình thức nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi vụ thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn. Nhiều xã khác có lợi thế danh lam, thắng cảnh và tiềm năng về du lịch cộng đồng, đang nỗ lực thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch.

Ðể phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, hàng năm ngành Nông nghiệp phối hợp với ngành Văn hóa và ngành Công Thương tổ chức triển lãm, giới thiệu các sản phẩm mây tre đan, dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP... nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, hội chợ thương mại để giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc sản của tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng. Công tác quảng bá tiềm năng phát triển du lịch còn ít về tần suất, ảnh hưởng đến kết quả thu hút các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nhiệm kỳ tới, tôi kỳ vọng vào những chủ trương, định hướng mới trong phát triển du lịch của tỉnh. Tin rằng được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025), nhất định ngành Du lịch Ðiện Biên sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động đồng thời góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Tôi mong rằng, với vai trò cơ quan chuyên môn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương tại các điểm dừng chân ven đường, các nhà hàng, khách sạn, các điểm di tích có nhiều du khách quốc tế, khách ngoại tỉnh qua lại. Ví dụ: Lồng ghép đưa các món ẩm thực đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh vào thực đơn nhà hàng, khách sạn; đặt máy pha chế cà phê tại sảnh các khách sạn, Nhà khách Tỉnh ủy, Nhà khách UBND tỉnh để quảng bá sản phẩm cà phê Arabica Ðiện Biên; giới thiệu tương tự với chè Shan tuyết Tủa Chùa; đặt các gian hàng trưng bày sản phẩm quà tặng là các sản vật địa phương tại các điểm di tích; các sản phẩm của làng nghề...

Tú Anh (ghi)

Bình luận
Back To Top