Chung sức trở lại trạng thái bình thường mới

09:47 - Thứ Bảy, 02/10/2021 Lượt xem: 4470 In bài viết

ĐBP - Quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hiện nay Điện Biên đang là một trong số ít “vùng xanh” của cả nước. Để ngăn chặn dịch bệnh có thể xâm nhiễm vào địa bàn bất cứ lúc nào, đồng thời sớm đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và hơn hết là sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân.

Thực hiện khám sàng lọc, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại Trạm Y tế Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Linh hoạt các biện pháp

Là huyện cửa ngõ của tỉnh, thời gian qua huyện Tuần Giáo đã linh hoạt xây dựng các kế hoạch, phương án, đảm bảo ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; đặc biệt là đảm bảo cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, mới đây, huyện Tuần Giáo đã điều chỉnh địa điểm đặt các chốt kiểm dịch. Cụ thể là chuyển vị trí chốt kiểm soát ở chân đèo Pha Đin lên đỉnh đèo Pha Đin - nơi giáp ranh với tỉnh Sơn La; di chuyển chốt tại bản Chăn (xã Quài Nưa) đến bản Tỏa Tình (xã Tỏa Tình) để kiểm soát chặt chẽ hơn người và phương tiện vào địa bàn. Đồng thời, thành lập nhiều chốt phụ ở các đường nhánh tại xã Tênh Phông (1 chốt đặt tại bản Thẳm Nặm, 1 chốt đặt tại bản Xá Tự), 1 chốt được đặt tại bản Kề Cải (xã Ta Ma), nơi giáp ranh với xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Nhờ đó, không để tình trạng người dân lợi dụng các đường mòn, ngõ nhỏ bất chấp quy định phòng chống dịch để vào địa bàn. Ngoài ra, Tuần Giáo còn quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung. Từ ngày 27/4 đến nay, có 12.025 người đi làm ăn xa trở về địa phương, 1.558 người cách ly tập trung hiện còn 179 người. Huyện thực hiện xét nghiệm 23.096 mẫu; qua đó, truy vết được 90 trường hợp F1, 1.052 trường hợp F2 có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh và vùng có dịch; qua đó, giữ vững “vùng xanh”, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch vào địa bàn.

Trước làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại huyện Nậm Pồ và xuất hiện ở huyện Điện Biên, TX. Mường Lay, tỉnh ta đã linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế - xã hội. Điện Biên không thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh mà dịch ở đâu khoanh vùng tại đó. Đồng thời, tập trung phân loại sớm và tăng cường khả năng xét nghiệm để các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra bình thường. Từ ngày 16/5 đến nay, tỉnh ta không ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tổng số ca bệnh Covid-19 đến hiện tại là 63 trường hợp. Các trường hợp F1 nguy cơ cao, F1 thông thường được quản lý, giám sát chặt chẽ; F2 thực hiện nghiêm cách ly tại nhà, không còn bệnh nhân phải điều trị, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin ngày càng tăng… Ngay sau khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, Điện Biên chỉ đạo các đơn vị, địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân. Thời điểm này, ngoài tiếp tục dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa cần thiết, như: Karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim thì các cơ sở, dịch vụ ăn uống (bao gồm cả ăn sáng), các hoạt động giải khát đều được mở cửa hoạt động song phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo quy định. Ngoài ra, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ đối với người và xe vận tải hàng hóa vào tỉnh...

Sớm trở lại trạng thái bình thường mới

Việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương đã giúp Điện Biên dần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là điều không chỉ người dân mà các doanh nghiệp, hợp tác xã rất mong chờ bởi đến thời điểm này đa phần “sức lực” của họ đã khá cạn kiệt.

Thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng, thậm chí là dừng hoạt động. Người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập đáng kể. Để sớm đưa tỉnh ta trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai, thực hiện; tạo sức lan tỏa, giúp củng cố niềm tin của nhân dân. Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh đã quyết định phê duyệt hỗ trợ hơn 5,26 tỷ đồng cho 6 nhóm đối tượng. Người lao động sẽ được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hỗ trợ do phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; do phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), phải thực hiện cách ly y tế (F1). Tính đến giữa tháng 9, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 1,75 tỷ đồng cho các đối tượng trong danh sách nhận hỗ trợ. Ngoài ra, không ít tổ chức, cá nhân, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã chung tay kêu gọi, vận động, hỗ trợ hàng nghìn suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điển hình là ngay từ tháng 5, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kêu gọi, vận động hỗ trợ hơn 1.600 suất quà, trị giá trên 440 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đối tượng trong khu cách ly tập trung. Các cấp công đoàn cũng kịp thời thăm hỏi, tặng quà trên 180 đoàn viên, công nhân, người lao động, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn trước mắt với số tiền gần 200 triệu đồng.

Sớm đưa tỉnh ta trở lại trạng thái bình thường mới ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền thì ý thức của người dân chính là liều vắc xin quan trọng nhất, kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Từng bước mở cửa “vùng xanh” phục hồi kinh tế là giải pháp phù hợp trong thời điểm này. Tuy nhiên, nới lỏng, mở cửa phải đi đôi với đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong đó người dân cần nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nâng cao hơn nữa tinh thần chung sức, đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với địa phương để chung tay phòng chống dịch bệnh.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top