Mường Nhé hôm nay

08:33 - Thứ Tư, 13/10/2021 Lượt xem: 6747 In bài viết

ĐBP - Nằm ở tận cùng Tây Bắc Tổ quốc, huyện Mường Nhé là “ngôi nhà chung” của hơn 10 dân tộc thiểu số anh em. Sau mấy lần chia tách, hiện nay huyện có diện tích tự nhiên gần 158.000ha với số dân trên 40.000 người, có gần 120km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với nước CHDCND Lào và nước CHND Trung Hoa...

Toàn cảnh Trung tâm huyện Mường Nhé.

Bài 1: Thành quả hôm nay và ký ức hôm qua

Thực hiện mục tiêu xây dựng huyện “giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh”, trong những năm qua, huyện Mường Nhé đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng - an ninh. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện. Các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn đã tích cực, chủ động, bám sát cơ sở, theo dõi nắm chắc tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý hiệu quả nhiều vụ việc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để có thông tin cho bài viết này, nhân vật đầu tiên tôi được tiếp cận, gặp gỡ và làm việc đó là đồng chí Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé. Qua trao đổi, được biết kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2016 - 2020), là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ nét ở vai trò đầu tàu, nêu gương của từng cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong số các nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Nhé dành nhiều tâm huyết nhất, được đầu tư nhiều kinh phí, trí tuệ và mồ hôi nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo. Kết quả đáng khích lệ khi đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 74,02% (năm 2015) xuống còn 58,43% (năm 2020). Phát huy kết quả đó, đồng thời, căn cứ chủ đề xuyên suốt toàn nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ban hành kế hoạch học tập, thực hiện chuyên đề để triển khai trong toàn Đảng bộ và coi đó là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, xuyên suốt mà cấp ủy, tổ chức đảng phải quan tâm triển khai.

Từ kết quả khả quan của năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Nhé xác định năm 2021 là năm đầu tiên, tạo đà cho việc thực hiện những năm tiếp theo của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 đã tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện. Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND huyện và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kết quả đạt được trên từng lĩnh vực quả là những con số thú vị và ấn tượng.

Trải qua gần 20 năm chung sức, chung lòng kiến thiết, xây dựng quê hương của nhân dân các dân tộc Mường Nhé cùng vươn lên phát triển, đồng chí Pờ Diệp Sàng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Càng tự hào về sự đổi mới, phát triển của quê hương Mường Nhé, chúng ta càng tưởng nhớ tới công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì đất nước, của Điện Biên anh hùng để Mường Nhé - vùng đất phên giậu của Tổ quốc, nơi biên cương cực Tây được hồi sinh và phát triển. Trong bộn bề khó khăn của những ngày đầu thành lập huyện, phẩm chất, cốt cách của con người Mường Nhé được hình thành từ thời mở cõi lại có dịp thăng hoa. Chúng ta chưa quên hình ảnh, hoặc đã từng được nghe kể lại những chuyến đi của các đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh, của những chiến sĩ biên phòng, quân đội, công an; những cuộc gặp mặt cán bộ, nhân dân Mường Nhé cách đây trên dưới 20 năm phải đi bộ hành trình 3 - 4 ngày trèo đèo lội suối, băng rừng với biết bao gian khó để đến được với Mường Nhé, với đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ý Đảng hợp lòng dân, từ nghị quyết qua các kỳ đại hội, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân từ những ngày đầu thành lập và qua 4 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện thực hóa trên quê hương yêu dấu của mình. Gần 20 năm nhìn lại mới thấy hết sự đổi thay vượt bậc với những thành tựu rất đỗi tự hào, sự vươn lên mạnh mẽ với những kết quả toàn diện và nổi bật. Chúng ta từng bước xây dựng và hình thành một Mường Nhé đang đổi mới và phát triển; định vị ngày càng rõ hơn hình hài, cốt cách và tầm vóc của mảnh đất và con người nơi biên giới cực Tây trên bản đồ đất Việt.

Câu chuyện của nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Pờ Diệp Sàng bỗng khơi dậy trong chúng tôi ký ức tưởng mới hôm nào. Cách đây gần 2 thập kỷ, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 14/01/2002, về việc thành lập huyện Mường Nhé với diện tích tự nhiên 250.790ha, dân số 25.517 người, tất cả các xã đều thuộc vùng 3, được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước; trên cơ sở sáp nhập 6 đơn vị hành chính là 4 xã (Mường Nhé, Mường Toong, Sín Thầu, Chung Chải) của huyện Mường Tè và 2 xã (Chà Cang, Nà Hỳ) của huyện Mường Chà. Ngày 20/10/2002, lễ ra mắt bộ máy hành chính huyện Mường Nhé được tổ chức, các cơ quan huyện đóng trụ sở tạm thời tại xã Chà Cang. Hơn chục phòng ban và các tổ chức, đoàn thể của huyện tá túc trong mấy dãy nhà cấp 4. Quê mới và nhiệm vụ mới, đó là chất kết dính họ với nhau trong buổi sinh thành vạn sự khởi đầu nan. Không điện, không nước, không bệnh viện, không cửa hàng, không chợ... và nói chung là không có gì ngoài tình đất - tình người.

Trước yêu cầu phát triển của tình hình mới, tỉnh lộ 131 được nối dài từ Si Pa Phìn vào Chà Cang. Và sau đó, bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản mà Trung ương dành cho Mường Nhé, con đường được mở tiếp từ xã Chà Cang đi trung tâm huyện Mường Nhé hiện giờ. Như vậy, sau mấy lần đầu tư, tỉnh lộ 131 có tổng chiều dài 147km, tính từ Na Pheo - Si Pa Phìn - Chà Cang - Mường Nhé. Thời điểm mới thành lập huyện, Mường Nhé không có tuyến quốc lộ nào chạy qua, con đường nối với tỉnh lộ 131 ở cây số 45 Si Pa Phìn được xem là “huyết mạch” với vai trò đặc biệt quan trọng, đưa Mường Nhé vào danh sách huyện sau cùng trong nước có đường ô tô vào trung tâm huyện được rải nhựa... Mường Nhé là huyện duy nhất trong cả nước có đường biên giới với 2 nước Lào và Trung Quốc. Chỉ riêng điều đó, thiết nghĩ, cũng quá đủ để chúng ta hình dung ra “gánh giang sơn” đang đè nặng thế nào lên đôi vai của Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp và nhân dân Mường Nhé.

20 năm một cuộc trường chinh, thời gian như lửa thử vàng. Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các ngành các cấp từ Trung ương xuống địa phương, bộ mặt nông thôn Mường Nhé đã sinh động hẳn lên, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bằng chứng là nhiều tuyến đường được mở mới, được nâng cấp hoặc nối dài. Hệ thống các công sở cơ quan ở trung tâm huyện, cũng như mạng lưới các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng ở nhiều nơi. Mương máng, cầu cống, trạm xá, trường học, bưu điện, phát thanh, truyền hình... lần lượt ra đời. Nhân dân Mường Nhé ơn Đảng và Chính phủ mà không cần bày tỏ bằng lời, bao nhiêu tình yêu xin gói cả vào tấm lòng sau trước thủy chung.

Bài 2:  Biên cương yên bình

Bài, ảnh: Chử Hồng Tuấn
Bình luận
Back To Top