Cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc

00:00 - Thứ Tư, 06/04/2016 Lượt xem: 2263 In bài viết
Sáng 6-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật dược (sửa đổi).

Siêu thị được bán thuốc, khuyến khích các nhà thuốc bán đêm

Với 88,06% tổng số ĐBQH tán thành , sáng 6-4, Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật dược (sửa đổi).

Giải trình về Luật này, UBTVQH cho biết, có ý kiến đề nghị Quốc hội xây dựng một luật riêng về y dược cổ truyền điều chỉnh toàn diện các nội dung về kế thừa, bảo tồn, phát triển dược liệu và thuốc cổ truyền và thể hiện tính đặc thù trong quản lý dược liệu, thuốc nam, thuốc dân tộc, bài thuốc dân gian, thuốc cổ truyền. Ủy ban tiếp thu và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm chuẩn bị dự án Luật y dược cổ truyền.

Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược, dự thảo Luật quy định chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần trên cơ sở thống nhất của phần lớn ý kiến ĐBQH. Dự thảo Luật quy định khuyến khích các nhà thuốc bán ban đêm và do chỉ khuyến khích, nên đã không quy định phụ thu trong trường hợp này. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trở lên phải tổ chức bán thuốc ban đêm. Luật cũng cho phép bán thuốc tại siêu thị để phù hợp với xu thế của thế giới và để tiện lợi cho người dân. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, dự thảo Luật đã quy định siêu thị phải có người phụ trách chuyên môn về dược và chỉ được phép bán các loại thuốc thông thường theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Luật cũng quy định quyền của nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phát thuốc BHYT, thuốc thuộc chương trình mục tiêu, dự án y tế nhằm tạo cơ hội tiếp cận thuốc của người dân, thuận lợi trong khám chữa bệnh BHYT. Tiêu chí nhà thuốc, quầy thuốc được tham gia do các chính sách về BHYT, chương trình mục tiêu và dự án y tế quy định cụ thể.

Người dân mua thuốc tại hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng, TPHCM.

Đáng chú ý, Luật cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc, khi vi phạm quy định này, tùy theo mức độ vi phạm, cơ sở kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự. Luật cũng bổ sung quy định cấm kinh doanh thuốc không được bảo quản đúng quy định ghi trên nhãn thuốc. Đồng thời, quy định dược liệu đã bị cố ý chiết xuất hoạt chất được coi là dược liệu giả.

Về vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận là Luật có nên quy định về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm bằng một chương riêng hoặc quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thực phẩm chức năng, UBTVQH cho biết, để xử lý tình trạng tiếp thị, quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức gây hiểu lầm cho người dùng, dự thảo Luật bổ sung quy định “cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top