Nhiều khó khăn trong đấu thầu thuốc

09:20 - Thứ Tư, 08/02/2023 Lượt xem: 6713 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thực hiện ở 3 cấp. Cấp quốc gia, cấp địa phương và ở từng đơn vị riêng lẻ. Trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng bỏ thầu hoặc không tham gia đấu thầu; việc chậm hoàn thành các thủ tục đấu thầu... dẫn đến nguy cơ khan hiếm, thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng xấu đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, khiến người bệnh phải chịu nhiều thiệt thòi, tốn kém, quyền lợi không được đảm bảo.

Nhân viên Khoa Dược, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bùi Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết: Đối với gói thầu tập trung tại Sở hiện đã có kết quả trúng thầu, đơn vị đang phối hợp hoàn thiện thủ tục, các đơn vị trúng thầu sẵn sàng cung ứng thuốc khi có yêu cầu. Hiện Trung tâm đang tổ chức triển khai 2 gói thầu tại đơn vị. Trong đó, gói thầu cung ứng thuốc Generic gồm 193 mặt hàng danh mục thuốc với tổng trị giá khoảng 12 tỷ đồng, đang thực hiện các bước chấm thầu, dự kiến đến 10/2, hoàn thiện thủ tục, có kết quả trúng thầu. Đến 15/2 đơn vị tiếp tục triển khai gói thầu tài chính. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Một số mặt hàng thuốc có số lượng ít, giá trị chỉ từ 500.000 - 700.000 đồng như: Aminophylin nồng độ 4,8%/5ml (50 chai); Digoxin nồng độ 0,25mg (40 lọ); ngoài ra một số loại thuốc gây mê, gây tê, thuốc an thần, thuốc SAT (kháng thể uốn ván)… có nguy cơ bị bỏ thầu, không trúng thầu vì không có nhà thầu, đơn vị cung ứng tham gia đấu thầu. Ngoài ra, là đơn vị chuyên môn chủ yếu phục vụ công tác khám chữa bệnh của người dân nên việc triển khai quy trình, các bước tổ chức đấu thầu còn chậm, gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nếu không kiểm tra, giám sát kỹ sẽ dẫn đến nguy cơ chấm sai, chấm thiếu...

Trao đổi về khó khăn vướng mắc trong đấu thầu thuốc của một số bệnh viện công lập tuyến tỉnh, bác sĩ Lê Văn Lương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Trong 2 năm qua, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 việc đảm bảo cung ứng đầy đủ kịp thời thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh cho nhân dân đã thể hiện nỗ lực của ngành Y tế tỉnh và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc tổ chức đấu thầu thuốc gặp nhiều khó khăn vướng mắc, bất cập, dẫn đến nguy cơ khan hiếm một số mặt hàng thuốc phục vụ khám chữa bệnh thời gian tới. Tại đơn vị, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, dự trù thuốc, vật tư y tế cho từng năm và có phương án dự phòng. Hiện tại cơ số thuốc tại đơn vị đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh đến hết quý I/2023. Để đảm bảo đầy đủ kịp thời thuốc khám chữa bệnh cho nhân dân, ngoài đăng ký các mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung tại Sở Y tế, đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ các quy trình, thủ tục tổ chức đấu thầu thuốc tại đơn vi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc. Cụ thể, năm 2023, đơn vị tổ chức đấu thầu 70 mặt hàng thuốc với tổng trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng. Kết quả trúng thầu chỉ có 15 loại mặt hàng thuốc với tổng giá trị khoảng 800 triệu đồng; còn lại hơn 2/3 mặt hàng thuốc không trúng thầu, sẽ phải tổ chức đấu thầu lại. Nguyên nhân chủ yếu của việc các mặt hàng thuốc không trúng thầu vì một số mặt hàng thuốc khan hiếm, ngoài ra do giá thấp hơn so với giá thị trường ở thời điểm hiện tại. Ví dụ: Thuốc giãn phế quản Combiwave SF 250 (bình sịt hen) có giá mời thầu là 90.000 đồng/lọ, trong khi giá trị trường trên 100.000 đồng/lọ; thuốc Budesanide Teva 0,5mg/2ml giá mời thầu 12.000 đồng, trong khi giá thị trường 15.000 đồng. Ngoài ra một phần vì số lượng mặt hàng thuốc quá ít khiến các đơn vị cung ứng (nhà thầu) không muốn tham gia đấu thầu như thuốc điều trị suy tim (Digoxin) số lượng 50 viên.

Hiện nay, ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh có lượng bệnh nhân đông, nhu cầu sử dụng thuốc lớn, nên việc tổ chức đấu thầu tương đối thuận tiên. Hiện đơn vị đã có kết quả trúng thầu gói thuốc số 1 cung ứng thuốc Generic năm 2023, với 31 đơn vị cung ứng trúng thầu, 249 danh mục thuốc trúng thầu, trị giá trên 37 tỷ đồng. Các đơn vị tuyến huyện và một số bệnh viên tuyến tỉnh gặp tình trạng chung, mở thầu nhưng một số mặt hàng thuốc không có đơn vị cung ứng tham gia đấu thầu. Như Bệnh viện Y học cổ truyền có 3 gói thầu gồm: Gói vị thuốc và gói dược liệu đã mở thầu nhưng chưa có nhà thầu tham gia; gói thầu thuốc tân dược mới có khoảng 60% mặt hàng thuốc có nhà thầu tham gia; gói thành phẩm y học cổ truyền chỉ khoảng 60% mặt hàng thuốc có nhà thầu tham dự.

Để đảm bảo cung ứng đầy đủ kịp thời, một số mặt hàng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn các cơ quan chức năng, Sở Y tế cần có giải pháp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên. Bởi một số mặt hàng thuốc không trúng thầu sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc, khan hiếm thuốc tại các cơ sở y tế. Việc tổ chức đấu thầu lại sẽ mất rất nhiều thời gian, tốn kém. Trung bình từ khi triển khai các bước đấu thầu, đến khi hoàn thiện thủ tục, có kết quả đấu thầu, có thuốc phải mất từ 6 -  8 tháng. Trong khi công việc chính của các cơ sở y tế là khám chữa bệnh, việc liên tục tổ chức đấu thầu ảnh hưởng tới chuyên môn, phải phân chia, san sẻ nguồn nhân lực. Ngoài ra, việc khan hiếm thuốc, thiếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người bệnh.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top