Video

Cần sớm di chuyển người dân Tìa Dình khỏi khu vực sạt lở

Chủ Nhật, 05/06/2022 16:39 Lượt xem: 10835 In bài viết

ĐBP - Khe nứt gãy tại trung tâm xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) xuất hiện đã mấy năm nay. Năm 2018 khe nứt chỉ rộng khoảng 20cm nhưng đến thời điểm này, vết nứt đang có dấu hiệu mở rộng hơn, nhất là sau những đợt mưa kéo dài. Hiện nay một số hộ dân vẫn đang sinh sống và kinh doanh xung quanh khu vực khe nứt vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, dù với lý do gì, việc chậm trễ, chủ quan trong công tác di chuyển khỏi vùng sạt lở sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân.

Về công tác tại Trường Mầm non xã Tìa Dình, cô giáo Quàng Thị Thúy, bản Tìa Dình 1, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) đã mua đất của bà con ở đây để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, do chủ đất đã chia đất thành 2 thổ và bán cho 2 hộ dân, trong đó gia đình chị Thúy là người đến sau nên không thuộc diện được cấp đất tái định cư đến nơi ở mới an toàn hơn. Dù biết sinh sống ở đây sẽ rất nguy hiểm, vì ngôi nhà có thể bị sạt trượt xuống taluy âm bất cứ lúc nào, nhưng gia đình chị không có nơi nào để chuyển. Vậy nên, chị Thúy chỉ mong chính quyền địa phương có chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ để gia đình sớm được di chuyển đến vị trí an toàn.

Gia đình chị Tráng Thị Bảo, bản Tìa Dình 1, xã Tìa Dình có 7 nhân khẩu, hàng ngày vẫn sinh sống và buôn bán hàng hóa trong ngôi nhà cũ nằm trong cung trượt sạt này. Mặc dù vị trí này nằm trong cung trượt nhưng nơi đây là trung tâm xã cũ, có nhiều người qua lại nên chị Bảo và các thành viên trong gia đình vẫn ở lại để duy trì cuộc sống và buôn bán hàng tạp hóa, kiếm thêm thu nhập. Mỗi khi mưa to, gió lớn cả nhà mới di chuyển đến gia đình người thân để lánh tạm, khi nào an toàn lại trở về nhà cũ.

Ngôi nhà này trước đây cao bằng với mặt đường nhưng sau một thời gian, nền nhà đã thấp hơn nền đường hàng chục centimét. Còn đây là vết nứt tại trụ sở cũ UBND xã Tìa Dình. Năm ngoái, vết nứt này rất nhỏ nhưng sau những trận mưa đầu năm nay, vết nứt ngày càng mở rộng và kéo dài hơn. Điều đó càng chứng tỏ nguy cơ sạt lở tại cung trượt này vẫn rất nghiêm trọng, người dân không kịp thời di chuyển đến vị trí an toàn sẽ nguy hiểm đến tính mạng cũng như tài sản. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ dân sinh sống, buôn bán tại cung trượt ở trung tâm xã Tìa Dình vẫn còn khá nhiều; có gia đình ở lại nơi đây để tiện cho việc kinh doanh, buôn bán; còn có nhà thì lại không biết di chuyển đi đâu.

Vết nứt gãy có chiều dài khoảng 1.000m như một vành đai ôm trọn khu vực trung tâm xã nên nguy cơ trượt sạt có thể xảy ra bất cứ khi nào. Thế nhưng, trước mắt, vẫn còn một số hộ dân đang sinh sống và buôn bán tại đây, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, chính quyền địa phương chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động bà con di chuyển đến nơi ở an toàn hơn; đồng thời thông báo tình hình, diễn biến thời tiết đến bà con. Sau mỗi trận mưa to, xã đều cử cán bộ kiểm tra vết nứt để tuyền truyền, cảnh báo, vận động người dân chủ động sơ tán, phòng tránh. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, vì cả khối lượng đất đá lớn có thể ập xuống bất cứ khi nào, như vậy sẽ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Về lâu dài, chính quyền địa phương và các cấp, ngành cần sớm có giải pháp di chuyển nhân dân đến vị trí an toàn hơn, không thể chủ quan trước diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như thiên tai, tránh tình trạng “mất bò, mới lo làm chuồng”.

Quang Hưng

Back To Top