Video

Dứa mật - triển vọng kinh tế trên đất dốc

Thứ Tư, 18/10/2023 15:05 Lượt xem: 12923 In bài viết

ĐBP - Sau khi thu hoạch xong lúa vụ mùa, anh Vàng A Ly, bản Pu Lau, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) lại khẩn trương lên nương để trồng diện tích dứa mật mà năm nay gia đình anh mở rộng thêm.

Bản Pu Lau, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) có 112 hộ, 417 nhân khẩu, trước đây là bản khó khăn, nghèo đói nhất xã. Từ năm 2017 đến nay các hộ bắt đầu tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích, các triền đồi quanh bản đều được bao phủ bởi dứa, nhà ít thì 1000 - 2000m2, nhà nhiều thì cả vài hecta.

Vùng trồng dứa bản Pu Lau, xã Mường Nhà hiện có gần 60ha; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 40ha với sản lượng đạt gần 200 tấn/năm; mang lại nguồn thu khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm. Dứa mật dần trở thành nguồn thu nhập chính, ổn định đời sống thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, phát triển trồng dứa chủ yếu là tự phát, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn triển khai mô hình thâm canh dứa tại bản Pu Lau có áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là hướng người nông dân sản xuất 100% theo hướng hữu cơ. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu dứa Pu Lau trở thành một trong những sản phẩm OCOP của địa phương.

Nhận thấy dứa có chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế, nên đã được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn xã Mường Nhà nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập. Vì vậy, bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dứa cho người dân, chính quyền xã đã có kế hoạch nhân rộng diện tích dứa mỗi năm.

Với hiệu quả kinh tế mà dứa mật mang lại, cây trồng này đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển đời sống của các hộ dân tại bản Pu Lau. Hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm và hướng sản xuất mới trên đất đồi dốc Pu Lau.

Trần Nhâm - Lan Phương

Back To Top