Video

Miệt mài “cõng chữ lên non”

Chủ Nhật, 19/11/2023 09:19 Lượt xem: 10346 In bài viết

ĐBP - Dạy học ở vùng cao là công việc đầy khó khăn, thử thách và người giáo viên phải trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả như: Thiếu điện, thiếu nước, thiếu cơ sở vật chất dạy học… Thế nhưng, những người “lái con đò tri thức” nơi vùng cao Điện Biên vẫn ngày ngày miệt mài “cõng chữ lên non”. Những người thầy, người cô không chỉ mang tri thức đến cho học sinh vùng sâu, vùng xa, mà họ còn đồng hành trong cuộc sống thường ngày với các em học sinh như những người cha, người mẹ thứ hai. Sự cố gắng, nỗ lực và tâm huyết của đội ngũ thầy, cô giáo đã góp phần không nhỏ trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao Điện Biên.

Chưa có điện lưới quốc gia nên tấm pin năng lượng mặt trời này chính là nguồn điện duy nhất để thắp sáng lớp học ghép 1 + 2, tại Điểm trường Huổi Chanh (Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Na Tông, xã Na Tông, huyện Điện Biên). Lớp học với hai bảng phấn và học sinh thuộc 2 trình độ khác nhau nhưng chỉ có 1 thầy giáo giảng dạy; có lẽ điều này chỉ có ở những điểm trường vùng cao. Thế nhưng, với thầy giáo Lò Văn Khánh, Điểm trường Huổi Chanh lại quá quen thuộc với việc dạy học như thế này. Để mang con chữ đến cho các em cả 2 khối lớp, thầy Khánh đã phân lớp ra thành hai hướng, chia dãy bàn, 2 cái bảng phấn theo 2 hướng khác nhau để các em quay lưng lại học tập. Một nửa học kiến thức của chương trình lớp 1, nửa còn lại học kiến thức của chương trình lớp 2. Cùng lúc giảng dạy cả 2 trình độ đồng nghĩa với đó là khó khăn, vất vả cũng nhân đôi nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, sự yêu nghề, những thầy, cô giáo dạy lớp ghép như thầy Khánh càng nỗ lực hơn để đem con chữ đến với các học trò nhỏ nơi điểm bản xa xôi, vùng cao, biên giới.

Con đường lổm nhổm đá sỏi, dốc đứng và quanh co như thử thách tay lái của những thầy giáo, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Na Tông. Hành trang lỉnh kỉnh, song đồng hành trong mỗi chuyến đi từ nhà đến trường của thầy cô giờ đây không chỉ có những trang giáo án, mà còn có cả những bọc gạo, túi thịt hay bộ quần áo mưa. Bộ quần áo mưa để che nắng, che mưa, chắn bụi trong quá trình đi đường, còn thực phẩm để duy trì cuộc sống trong nhiều ngày ở trường. Bởi đến nay, Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Na Tông vẫn là trường khó khăn bậc nhất huyện Điện Biên khi không có điện, không sóng điện thoại và không đường. Với sự cách trở như vậy, đội ngũ giáo viên nhà trường thường phải chủ động chuẩn bị sẵn thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống trong những ngày ở trường.

Sau những giờ lên lớp, thầy giáo Lò Văn Sinh, Điểm trường Háng Tầu (thuộc Trường Tiểu học và THCS Tỏa Tình, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) lại tranh thủ giúp các em học sinh của mình từ những việc nhỏ nhất. Gấp chăn, màn, dọn dẹp phòng ngủ cho học sinh, cùng phụ huynh nấu ăn cho các em là công việc thường xuyên của thầy Sinh. Sự quan tâm đó giống như những người cha, người mẹ thứ 2 chăm lo cho đàn con nhỏ.

Với đặc thù là địa phương miền núi, biên giới, giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các trường thuộc khu vực biên giới, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất nhiều trường xây dựng từ lâu đã dần xuống cấp, nhiều điểm trường mầm non, tiểu học chưa có điện lưới quốc gia và cách điểm trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Lội suối để đến trường, mang con chữ cho học trò là hình ảnh không còn quá xa lạ với những thầy giáo, cô giáo nơi vùng cao. Gian nan, vất vả là thế, song bằng sự yêu nghề, mến trẻ, các thầy giáo, cô giáo đã vượt lên tất cả những khó khăn; bám lớp, bám trường đem tình yêu với trò thể hiện qua những trang giáo án, từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh ở bán trú và góp phần đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục; huy động và duy trì số lượng học sinh.

Điện Biên hiện gần 16.000 cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục. Trong đó có khoảng 1.300 cán bộ quản lý giáo dục và khoảng 12.000 giáo viên các cấp học. Ngoài những khó khăn về đường sá giao thông đi lại, thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu, nhiều giáo viên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, điểm bản còn chưa có nhà công vụ để ở; thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt dẫn đến các thầy, cô phải dạy chéo khối lớp, dạy liên trường, liên cấp. Các trường phổ thông có học sinh bán trú, giáo viên trực trưa nhưng không có chế độ hỗ trợ. Giáo viên vừa phải giảng dạy, vừa phải học tập bồi dưỡng để đạt chuẩn, để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Khó khăn, vất vả là thế nhưng các thầy, các cô luôn cố gắng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hy vọng rằng, với sự tâm huyết, yêu nghề đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách để tiếp tục phát huy trí tuệ và công sức cho sự nghiệp “trồng người”.

Sự tâm huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ, tinh thần vượt khó, tích cực bám lớp, bám trường cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Điện Biên đã được khẳng định bởi những kết quả nổi bật và chuyển biến tích cực trong những năm học vừa qua. Và hơn thế, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những thầy, cô giáo vẫn đang từng ngày cần mẫn gieo chữ, nhất là ở những bản làng xa xôi, giúp thế hệ tương lai ở vùng cao vươn lên thoát khỏi cái đói, cái nghèo, vươn đến những ước mơ tươi sáng hơn.

Phạm Quang

Back To Top